Thủ tướng Thái quyết liệt “đấu” với thủ lĩnh biểu tình

08:49, 12/02/2014
|

(VnMedia) - Cảnh sát Thái Lan tuyên bố sẽ bắt giữ thủ lĩnh cao nhất của phe biểu tình – cựu Thủ Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban. Trong khi đó, ông này đang kêu gọi người biểu tình thực hiện một chiến dịch mới nhằm dồn ép hơn nữa nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Yingluck


Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan – ông Paradorn Pattanatabut hôm qua (11/2) tuyên bố, lực lượng cảnh sát sẽ bắt giữ thủ lĩnh cao nhất của phe biểu tình chống chính phủ ngay khi có cơ hội.
 
Ông Suthep sẽ bị bắt giữ trong thời gian sớm nhất có thể, ông Paradorn đã khẳng định chắc chắn như vậy. Theo lời người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, “giới chức có liên quan đang giám sát chặt chẽ đường đi, nước bước của thủ lĩnh biểu tình Suthep nhưng việc bắt giữ ông này phụ thuộc vào tình huống và môi trường”.
 
Khi được hỏi về việc bắt giữ nhân vật số 2 của phe biểu tình – ông Sonthiyan Chuenruthainaitham gần đây, Trung tướng Paradorn cho biết, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép cảnh sát bắt giữ ông Sonthiyan trong vòng 7 ngày. Ông Sonthiyan được coi là tổng tham mưu trưởng, là nhân vật cấp cao thứ hai của lực lượng biểu tình. Ông này là người đầu tiên bị bắt giữ trong số 19 thủ lĩnh của phe biểu tình nằm trong danh sách bị truy bắt của chính quyền vì tội vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp khi tiến hành các cuộc biểu tình nhằm gây sức ép buộc chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck từ chức.
 
Nếu cuộc điều tra chưa được hoàn tất, cảnh sát có thể giam giữ ông Sonthiyan thêm 7 ngày nữa theo lệnh phê chuẩn của tòa. Tuy nhiên, cảnh sát không thể bắt giữ thủ lĩnh của phe biểu tình quá 30 ngày.
 
Được biết, hôm 10/2, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ ông Sonthiyan trong khi ông này đang ăn trưa tại một nhà hàng ở Lat Phrao.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu chính phủ có công bố danh sách tên các nhà tư bản bị cáo buộc tài trợ cho các cuộc biểu tình, Trung tướng Paradorn cho biết, cuộc điều tra liên quan đến chuyện này đã được hoàn tất. Mọi thông tin đang được Tổng Giám đốc Cơ quan Điều tra Đặc biệt (DSI) Thái Lan - ông Tarit Pengdith nắm giữ.
 
Về lời kêu gọi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của khu vực tư nhân do những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với nền kinh tế nói chung, ông Paradorn tuyên bố, chính phủ sẽ làm như vậy khi tình hình căng thẳng dịu đi nhưng sắc lệnh đó là cần thiết trong thời điểm hiện tại.
 
Suthep tiếp tục dồn ép Thủ tướng Yingluck
 
Trong khi chính quyền của Thủ tướng Yingluck ra tay quyết liệt với các thủ lĩnh biểu tình thì lực lượng này cũng đang chuẩn bị “ra đòn” mới nhằm vào bà.
 
Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã ấn định ngày thứ Sáu (14/2) là ngày lực lượng của ông này khởi động một nỗ lực mới nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
 
Ông Suthep đã kêu gọi những người ủng hộ ông tham gia vào một cuộc biểu tình rầm rộ mới vào hai ngày cuối tuần thứ Sáu (14/2) và thứ Bảy (15/2) nhằm dồn ép bà Yingluck vào đường cùng, buộc bà phải ra đi.
 
Lời kêu gọi trên được ông Suthep đưa ra trong một bài phát biểu trước những người biểu tình tự xưng là thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) ở tại khu vực biểu tình Pathumwan. ''Chúng ta sẽ lại tụ họp lại với nhau để tuyên bố rằng chúng ta yêu đất nước Thái Lan”, ông Suthep nói.
 
PDRC đang tiến hành các cuộc biểu tình tại 5 địa điểm lớn ở thủ đô Bangkok, bao gồm Pathumwan, Asok, Ratchaprasong, Lumpini và Chaeng Wattana. Chiến dịch này đã kéo dài suốt nhiều tuần qua và ban đầu, khi nó được khởi động từ hôm 13/1, lực lượng biểu tình tụ tập ở 7 địa điểm.
 
Chính phủ lâm thời Thái Lan đã phải đối mặt với sức ép từ những người biểu tình chống chính phủ từ hồi tháng 10 năm ngoái. Suốt hơn 3 tháng qua, phe biểu tình tìm mọi cách để lật đổ Thủ tướng Yingluck. Để làm dịu tình hình, bà Yingluck đã giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, phe biểu tình không chấp nhận phương án này. Họ đã phát động chiến dịch phong tỏa thủ đô Bangkok từ hôm 13/1 đến giờ trong một nỗ lực cao nhất nhằm gây sức ép buộc chính quyền của bà Yingluck phải tan rã. Lực lượng biểu tình còn ra sức ngăn cản, phá hoại kế hoạch bầu cử của chính phủ, khiến hàng triệu cử tri đến giờ vẫn chưa được thực hiện quyền của mình.
 
Chưa hết khó khăn này, Thủ tướng Yingluck lại phải đối mặt với thách thức mới khi chính phủ của bà đang bị một số người nông dân phản đối vì chi trả chậm trong chương trình mua gạo với giá cao. Bà Yingluck đang phải đối mặt với nguy cơ mất đi lá phiếu của lực lượng vốn là nòng cốt trong thành trì ủng hộ của chính phủ.
 
Bộ trưởng Thương mại lâm thời Thái Lan – ông Niwatthamrong Bunsongphaisan cho biết sau cuộc họp nội các ngày hôm qua rằng, họ cần 120 tỉ baht để trả cho số gạo đã mua từ những người nông dân từ hồi tháng 11 năm ngoái.
 
Tận dụng cơ hội trên, thủ lĩnh biểu tình Suthep đang tìm cách ve vãn những người nông dân đứng về phía họ và kích động các thành phần này quay lại chống chính phủ. Ông Suthep tuyên bố, một khi bà Yingluck còn nắm quyền điều hành đất nước, những người nông dân sẽ không bao giờ nhận được tiền của họ bởi chính phủ tạm thời hiện không được phép tạo thêm những gánh nặng tài chính cho chính phủ kế nhiệm.
 
Ông Suthep còn cho biết, các cuộc diễu hành của PDRC từ hôm thứ Sáu tuần trước đến thứ Hai tuần này đã thu được gần 24 baht tiền ủng hộ để giúp những người nông dân thực hiện chiến dịch đòi tiền của chính phủ, trong đó có 1 triệu baht bằng tiền mặt được đóng góp từ một nhà tài trợ giấu tên.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc