Thủ tướng Thái bất lực nhìn người “áo đỏ” ra đi?

20:09, 11/02/2014
|

(VnMedia) - Chính phủ lâm thời Thái Lan hôm nay (11/2) đã thừa nhận, họ không có đủ quyền hành để tiếp tục theo đuổi chương trình trợ cấp giá lương thực khi chương trình này hết hạn vào cuối tháng. Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mất đi lực lượng ủng hộ then chốt là tầng lớp nông dân. Nhiều người trong số này vốn đã đang tức giận trước việc chính phủ chi trả chậm cho vụ mùa của họ.

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Yingluck


Thủ tướng Yingluck từ tháng 11 năm ngoái đã phải đối mặt với “cuộc tấn công dồn dập” của những người biểu tình thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu, thành thị muốn bà phải từ chức. Chưa thoát khỏi tình thế khó khăn này, bà Yingluck mới đây còn phải đương đầu với thách thức mới từ chính thành phần ủng hộ tự nhiên nòng cốt của Đảng Pheu Thai cầm quyền ở nông thôn. Nhiều người nông dân Thái Lan vẫn chưa nhận được khoản tiền thanh toán cho số gạo mà họ bán cho chính phủ theo chương trình trợ cấp lương thực trong vài tháng trở lại đây.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck đang dẫn dắt một chính phủ tạm thời kể từ tháng 12 năm ngoái sau khi bà buộc phải giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm nhằm tìm cách tháo “ngòi nổ” trên chính trường Thái Lan. Kết quả là quyền hạn trong vấn đề chi tiêu và vay mượn của chính phủ Thái Lan hiện đang bị hạn chế rất lớn.

 

"Chúng tôi chỉ là một chính phủ tạm thời. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không có quyền hạn trong việc kéo dài bất kỳ chính sách nào. Chương trình trợ cấp lượng thực sẽ tự động chấm dứt vào ngày 28/2", ông Varathep Rattanakorn – một bộ trưởng trong văn phòng của Thủ tướng Thái Lan, cho biết.

 

Chương trình trợ cấp giá gạo là một trong những chính sách dân túy gắn liền với tên tuổi của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – cũng là anh trai của bà Yingluck. Ông Thaksin là trung tâm của cuộc xung đột chính trị kéo dài nhiều năm qua ở đất nước Thái Lan kể từ sau khi ông này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006.

 

Cam kết trả cho người nông dân giá gạo trên mức giá chuẩn của thế giới đã giúp đưa bà Yingluck lên cầm quyền năm 2011. Tuy nhiên, chương trình trợ cấp giá gạo của chính phủ Thái Lan đã rơi vào rắc rối khi phải đối mặt với một loạt những cáo buộc tham nhũng và tổn thất ngày càng tăng. Điều đó khiến chính phủ ngày càng trở nên khó chi trả cho chương trình này.

 

Trong những tuần gần đây, các ngân hàng lớn đã từ chối cung cấp cho chính phủ những khoản vay bắc cầu để giúp chi trả cho chương trình trợ cấp giá gạo. Các ngân hàng không tin là chính phủ có đủ thẩm quyền để tìm kiếm những khoản vay như vậy trong khi Trung Quốc đã hủy bỏ thỏa thuận lương thực giữa hai chính phủ vì cuộc điều tra tham nhũng ở Thái Lan.

 

Hơn 1.000 nông dân đã thực hiện một cuộc biểu tình ngay bên ngoài trụ sở tạm thời của chính phủ ở phía bắc thủ đô Bangkok ngày hôm qua (10/2). Những người nông dân tuyên bố, họ sẽ tiếp tục chiến dịch của mình sau khi một cuộc gặp gỡ giữa các đại diện của họ và các bộ trưởng kết thúc mà không đạt được thỏa thuận gì.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Kittirat Na Ranong hôm nay (11/2) cho biết, những người nông dân cuối cùng cũng sẽ được trả tiền nhưng kêu gọi họ cho chính phủ thêm thời gian để sắp xếp các khoản vay từ ngân hàng.

 

"Chính phủ tin tưởng có thể hoàn tất khoản vay trợ cấp giá gạo trong vài ngày nữa. Chúng tôi cần phải tái bảo đảm với các tổ chức tài chính rằng khoản vay trợ cấp giá gạo không vi phạm luật pháp”, ông Kittirat cho phóng viên biết.

 

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Niwatthamrong Bunsongphaisan tiết lộ, nội các đã thông qua việc rút 712 triệu baht (22 triệu USD) từ ngân sách quốc gia để trả cho một số người nông dân nhưng điều này trước tiên cần phải được sự thông qua của Ủy ban Bầu cử.

 

"Chúng tôi mong chờ Ủy ban Bầu cử sẽ thông qua yêu cầu trên rất sớm bởi đó là một vấn đề của người nông dân”, Bộ trưởng Niwatthamrong cho hay.

 

Mặc dù không hài lòng với chương trình trợ cấp lương thực của chính phủ, những người nông dân đến nay vẫn tách cuộc biểu tình của họ ra khỏi làn sóng biểu tình chống chính phủ mà phe đối lập đang tiến hành nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck từ chức. Phe biểu tình đã phong tỏa, bao vây và ngăn chặn nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok trong suốt hơn 3 tháng qua.

 

Tuy nhiên, người ta bắt đầu lo ngại về viễn cảnh nhiều người nông dân chạy sang phe biểu tình, quay lại chống Thủ tướng Yingluck nếu họ không sớm nhận được tiền bán gạo cho chính phủ. Phe biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep dẫn dắt đang tranh thủ cơ hội để ve vãn những người nông dân, lôi kéo lực lượng này đứng về phía họ để tạo thêm sức ép cho bà Yingluck. Được biết, ông Suthep hôm qua đã dẫn đầu một đoàn diễu hành ở thủ đô Bangkok để đi quyên góp tiền cho những người nông dân để họ có tiền tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ.

 

Chính trường Thái Lan hiện tại đang là nơi diễn ra cuộc “đấu” quyết liệt, không khoan nhượng giữa một bên là thành phần ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin (còn gọi là áo đỏ) và bên kia là thành phần chống lại ông này (áo vàng). Dù đã vắng bóng trên chính trường suốt 8 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn là nhân vật có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Thái Lan.

 

Với những chính sách “dân tuý” làm lợi cho dân nghèo và những người dân ở vùng nông thôn, cựu Thủ tướng Thaksin rất được lòng bộ phận những người dân chiếm đa số này. Ngược lại, ông lại bị ghét cay ghét đắng bởi những thành phần hoàng gia, trung lưu ở đất nước Thái Lan. Lực lượng chống ông Thaksin tuy là một bộ phận nhỏ nhưng lại là những người nắm giữ quyền lực và sức mạnh. Chính lực lượng ủng hộ nòng cốt đông đảo là những người nông dân đã giúp cho các chính phủ thân Thaksin luôn giành được chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001 đến giờ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc