Nước cờ cao tay của Tổng thống Assad

11:42, 12/02/2014
|

(VnMedia) - Mặc dù đang đấu tranh quyết liệt để nắm chắc quyền lực trong tay, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đồng ý phá hủy một phần lớn kho vũ khí hóa học và tham gia đàm phán với phe đối lập đang nhăm nhe tìm cách lật đổ ông. Đây được xem là nước cờ cao tay của Nhà lãnh đạo Syria.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Assad


Những bước đi có vẻ mâu thuẫn nhau ở trên được đánh giá là một chiến lược tính toán đầy sắc sảo của Tổng thống Assad. Tổng thống Syria chấp nhận đàm phán, câu giờ và dồn phương Tây vào thế bí trong khi quân đội của ông này tiếp tục đẩy cao chiến dịch làm suy mòn sức mạnh của phe nổi dậy vốn bị chia rẽ và thiếu tổ chức trên chiến trường bằng bất kỳ giá nào.
 
Cho đến thời điểm này, chiến lược của ông Assad đang phát huy tác dụng.
 
Kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu được khởi động ở Thụy Sỹ hôm 24/1, quân của Tổng thống Assad cũng tăng cường chiến dịch không kích vào các khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy và đẩy mạnh các cuộc tấn công vào khu vực phía bắc và xung quanh thủ đô Damascus.
 
Theo thông tin được cung cấp từ các phe nhóm đối lập, gần 1.900 người đã thiệt mạng trong tuần đầu diễn ra các cuộc đàm phán hồi tháng trước, trong đó có hơn 800 nạn nhân ở riêng thành phố phía bắc Aleppo. Những người này mất mạng trong hàng chục vụ thả “thùng bom” từ trực thăng của chính quyền Syria.
 
Khoảng 220 người chết trong cuộc đấu tranh nội bộ giữa thành phần Hồi giáo cực đoan với các phe nhóm nổi dậy khác.
 
Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, có khoảng 2.454 người đã chết vì bạo lực cho đến thời điểm này của tháng 2, khiến cho tháng này có thể sẽ là một trong những tháng đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.

Những con số trên chưa được xác nhận về tính chính xác bởi chúng được cung cấp từ các nguồn tin đối lập hoặc thân với phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là quân của Tổng thống Assad gần đây liên tiếp giáng những đòn nặng nề vào phe nổi dậy.
 
Assad củng cố vị thế
 
Đối với Tổng thống Assad, các cuộc đàm phán kéo dài do Liên Hợp Quốc làm trung gian chính là cơ hội để ông này làm việc với cộng đồng quốc tế sau khi nhiều nước đã tránh ông kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.
 
Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ và Nga dàn xếp đã đem lại cho Tổng thống Assad một phương tiện để khẳng định tính hợp pháp của chính quyền ông này. Nó giống như trường hợp về thỏa thuận hủy bỏ kho vũ khí hóa học mà chính quyền của ông Assad ký kết với các cường quốc nhằm tránh một chiến dịch can thiệp quân sự từ Mỹ. Thỏa thuận đó được đánh giá là đã giúp nâng cao vị thế cũng như tính hợp pháp của chính phủ Syria. 
 
Trước đó, nhiều nước phương Tây và Ả-rập đã lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp của chính quyền Assad. Tuy nhiên, nhờ vào thỏa thuận vũ khí hóa học do Nga đề xuất, ông Assad lấy lại được vị thế của mình. 
 
Ông Rime Allaf – một nhà bình luận chính trị chuyên về các vấn đề Trung Đông, nhận định rằng, chính quyền Syria đến hội nghị hòa bình Geneva không có mục đích gì hơn ngoài yêu thích một tiến trình mà ở đó họ có thể tuyên bố mình là bên duy nhất có thể đàm phán với thế giới.
 
Mục tiêu của các cuộc đàm phán là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua ở đất nước Syria. Cuộc nội chiến này được cho là đã cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng.
 
Cuộc chiến tranh ở Syria đã làm thổi bùng lên ngọn lửa thù địch sắc tộc trong khu vực, thu hút hàng ngàn chiến binh và thành phần cực đoan nước ngoài đến chiến trường này đồng thời gây bất ổn cho một loạt nước láng giềng xung quanh như Li-băng và Iraq.
 
Tuy nhiên, cả hai bên đối địch ở Syria vẫn không thể nhất trí được với nhau về bất kỳ điều gì dù chỉ là một chương trình nghị sự. Phe đối lập được hậu thuẫn bởi Mỹ và phương Tây muốn các cuộc đàm phán tập trung vào việc thiết lập một chính phủ chuyển tiếp trong đó không có vai trò của ông Assad. Tuy nhiên, đây là điều không được chấp nhận bởi chính phủ Syria – một chính phủ quyết không nhân nhượng trong yêu cầu đòi đặt cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vào “ưu tiên”.
 
Để các cuộc đàm phán có hy vọng thành công, các nhà phân tích tin rằng, nó phải phản ánh được thực tế trên chiến trường. Tổng thống Assad chẳng có lý do gì để mà nhân nhượng trong các cuộc đàm phán khi lực lượng trung thành với ông này vẫn nắm giữ 13 trong tổng số 14 thủ phủ của các tỉnh và tiếp tục đạt được những bước tiến dù là chậm trên chiến trường, đặc biệt là ở các điểm nóng như Homs, Aleppo và xung quanh thành trì quyền lực Damascus của ông này. Trong khi đó, phe nổi dậy đang yếu thế hơn hẳn do sự suy yếu từ bên trong với nội bộ mâu thuẫn, đấu đá nhau. Phe nổi dậy đang bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn với các nhóm nổi dậy có liên quan đến Al- Qaeda.
 
Ngoài ra, Tổng thống Assad vẫn còn có thể trông chờ vào những đồng minh mạnh mẽ như Nga và Iran.
 
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây hoàn toàn không muốn bị dính líu vào thêm bất kỳ một cuộc chiến tranh nào ở Trung Đông. Bản thân các nước này còn bị ám ảnh trước viễn cảnh các lực lượng cực đoan, khủng bố đang nổi lên trong phe nổi dậy Syria có thể giành được quyền thống trị trong lực lượng này và nếu lật đổ thành công chính quyền của Tổng thống Assad, họ có thể lên cầm quyền. Đây không phải là kịch bản mong ước của phương Tây mà thực tế là ác mộng kinh hoàng đối với các cường quốc nói riêng và thế giới nói chung. Chính vì những lý do trên mà chính quyền của Tổng thống Assad đang giành lợi thế. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, lợi thế của ông Assad cũng chưa đủ lớn để tạo được bước đột phá mang tính quyết định, giúp ông này lấy lại quyền lực và đè bẹp phe nổi dậy Syria. Kết quả là cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria vẫn ở trong tình thế bế tắc, không có lối thoát.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc