Xe tăng vào thủ đô, Thủ tướng Thái vẫn tự tin

10:09, 10/01/2014
|

(VnMedia) - Bất chấp những tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra sau khi quân đội đưa một loạt xe tăng và vũ khí hạng nặng vào thủ đô Bangkok, nữ Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra vẫn tỏ ra rất tự tin. Bà khẳng định, không có lý do gì để quân đội thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ vào thời điểm này.

 

Ảnh minh họa

 Thủ lĩnh Suthep dẫn đầu dòng người biểu tình trong buổi "tập duyệt" ngày hôm qua


Thủ tướng Yingluck hôm qua (9/1) đã lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về những lý do cho một cuộc đảo chính quân sự nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị mỗi lúc một nghiêm trọng ở đất nước Thái Lan.

 

Bà Yingluck tự tin khẳng định với giới phóng viên tại Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự Thái Lan rằng, không có lý do hay cơ sở hợp lý nào để quân đội thực hiện một cuộc đảo chính bất chấp thế bế tắc chính trị hiện nay giữa chính phủ với những người biểu tình.

 

Chính quyền đang nỗ lực giữ cho tình hình nằm trong quyền kiểm soát để ngăn chặn những cuộc biểu tình sắp tới leo thang thành bạo lực, Thủ tướng Yingluck nhấn mạnh.

 

Giới thủ lĩnh phe áo đỏ ủng hộ chính quyền Thái Lan đang tỏ ra rất quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính quân sự mới sau khi quân đội thông báo kế hoạch đưa một loạt xe tăng, vũ khí hạng nặng cùng hàng trăm binh lính vào thủ đô. Mặc dù quân đội đã lên tiếng trấn an bằng lời bảo đảm rằng họ chỉ triển khai binh lính và vũ khí cho một cuộc diễu binh vào Ngày Quân đội 18/1 tới chứ không có bất kỳ kế hoạch can thiệp nào vào chính trường nhưng nỗi quan ngại của phe áo đỏ vẫn không hề giảm đi.

 

Giới thủ lĩnh Lực lượng Vũ trang Thái Lan vẫn miễn cưỡng không chịu áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà thay vào đó là dùng đến Luật An ninh Nội địa. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội xử lý tình hình thay vì để cho cảnh sát gánh trách nhiệm này.

 

Theo thông báo của quân đội, lực lượng này sẽ triển khai 40 tiểu đoàn quân đội và 56 tiểu đoàn cảnh sát để bảo vệ Bangkok trong tuần tới, sẵn sàng đối phó với cuộc biểu tình đóng cửa thủ đô của phe đối lập. Mỗi tiểu đoàn có từ 100 đến 200 người.

 

Phe biểu tình đã thông báo kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ vào ngày Thứ Hai tới (13/1) nhằm đóng cửa và làm tê liệt hoàn toàn thủ đô Bangkok trong một nỗ lực được cho là quyết liệt cuối cùng nhằm gây sức ép buộc bà Yingluck phải từ chức. Nhiều người ví đây là cuộc chiến cuối cùng giữa chính quyền của bà Yingluck với những người biểu tình chống chính phủ.

 

Thủ tướng Yingluck cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đã giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Quốc phòng Yutthasak Sasiprapa làm điều phối viên giữa chính phủ lâm thời và Lực lượng Vũ trang trong “đợt ra quân” quyết liệt của người biểu tình vào tuần tới.

 

Trong một diễn biến mới nhất, một vị tướng hàng đầu của Thái Lan – ông Yutthasak hôm qua tiếp tục lên tiếng khẳng định, quân đội chưa bao giờ nghĩ đến việc phát động một cuộc đảo chính mới.

 

Thủ tướng Yingluck hôm qua đã đáp trả Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha sau khi ông này đưa ra một cảnh báo với chính phủ hồi đầu tuần rằng, chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp nổ ra bạo lực trong cuộc biểu tình của phe đối lập vào thứ Hai tới.

 

Nữ Thủ tướng lâm thời khẳng định, chính phủ sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu giới chức an ninh không tìm cách ngăn chặn bạo lực hoặc thể hiện sự quan ngại về việc “một bên thứ ba” có thể tận dụng cơ hội để đẩy tình trạng bất ổn chính trị hiện nay vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

 

Nhiều người tin rằng, phe biểu tình sẽ tìm cách gây rối loạn và xung đột trong cuộc biểu tình sắp tới với mục đích lôi kéo sự can thiệp của quân đội. Quân đội đầy quyền lực của Thái Lan vốn nổi tiếng vì hay can thiệp vào chính trường. Lực lượng Vũ trang bị chính trị hóa này đã từng thực hiện tới 18 cuộc đảo chính, cả thành công và thất bại, trong lịch sử 80 năm nền dân chủ ở Thái Lan.

 

Sở dĩ phe áo đỏ lo ngại về sự can thiệp của quân đội bởi lực lượng này trong quá khứ luôn nghiêng về các thành phần chống ông Thaksin, cũng chính là chống lại chính quyền của bà Yingluck hiện nay. Chính quân đội đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006, gây ra vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài suốt 8 năm qua ở quốc gia hàng đầu Đông Nam Á này.

 

Phe biểu tình “tập duyệt” trước cuộc quyết chiến

 

Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan hôm qua (9/1) tiếp tục đổ ra đường để thử xem phản ứng và sự ủng hộ của người dân dành cho kế hoạch đóng cửa thủ đô vào tuần tới của họ sẽ như thế nào.

 

Thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban đã trực tiếp dẫn đầu lực lượng biểu tình diễu hành từ điểm tập kết Rachadamnoen đến khu vực Thonburi với mục đích mời gọi mọi người tham gia vào cuộc biểu tình lớn chống chính phủ dự kiến diễn ra vào ngày 13/1 tới.

 

Đây là lần diễu hành thứ ba của ông Suthep cùng với những người ủng hộ của ông này trước thềm cái gọi là kế hoạch “đóng cửa Bangkok” sắp tới. Những cuộc diễu hành đó được cho là những lần tập duyệt cho cuộc biểu tình rầm rộ vào tuần tới. Phe biểu tình muốn thông qua kế hoạch đóng cửa thủ đô Bangkok để dồn chính phủ của Thủ tướng Yingluck vào đường cùng, buộc chính phủ này phải ra đi.

 

Bà Yingluck đã giải tán Quốc hội, kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Thái Lan. Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận kế hoạch này và quyết phá vỡ kế hoạch bầu cử của chính phủ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc