Trung Quốc tìm thế áp đảo quân sự ở Biển Đông

09:46, 02/01/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc đang cân nhắc tái tổ chức lại 7 quân khu của nước này thành 5 quân khu trong một nỗ lực nhằm phản ứng chớp nhoáng hơn với một cuộc khủng hoảng. Theo cơ cấu quân sự được đề xuất, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực tấn công để giành vị thế áp đảo về hải quân và không quân ở hai vùng biển tranh chấp là Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là thông tin vừa được tờ nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa ra ngày hôm qua (1/1).
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Tin tức về bước đi quân sự mới nhất của Trung Quốc nói trên được “tung” ra đúng thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và một loạt nước láng giềng đang leo thang trong suốt năm vừa qua vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Mỗi một quân khu mới của Trung Quốc sẽ thiết lập một bộ chỉ huy chiến dịch chung có chức năm kiểm soát, điều hành lực lượng lục quân, không quân, hải quân cũng như đơn vị tên lửa chiến lược, tờ báo lớn của Nhật Bản dẫn lời các quan chức quân sự cấp cao và nhiều nguồn tin khác cho biết.
 
Kế hoạch cải tổ, sắp xếp lại quân đội Trung Quốc nói trên đánh dấu một bước ngoặt thay đổi từ một lực lượng theo định hướng phòng vệ dựa phần lớn vào lục quân hiện nay sang một lực lượng cơ động hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa lục quân, không quân, hải quân và các đơn vị tên lửa chiến lược, tờ nhật báo Yomiuri cho hay.
 
"Đó là một biện pháp chủ động với mục tiêu hướng vào việc đối trọng với liên minh Mỹ-Nhật", tờ Yomiuri dẫn lời một trong những quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc, cho biết thêm.
 
Tokyo và Beijing đang lao vào một cuộc tranh chấp quyết liệt và căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Mỹ mặc dù nhấn mạnh không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong quyền kiểm soát của Tokyo và vì thế nó thuộc phạm vi quản lý, điều chỉnh của một hiệp ước an ninh mà Mỹ đã ký với Nhật. Theo hiệp ước đó, Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp có một cuộc tấn công xảy ra từ một nước thứ ba.
 
Theo cấu trúc quân sự được đề xuất, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực tấn công để đảm bảo ưu thế về hải quân và không quân trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, tờ nhật báo của Nhật Bản cho hay.
 
Tờ báo trên cũng đưa tin, Nhật Bản có kế hoạch triển khai những chiếc máy bay do thám không người lái tối tân "Global Hawk" đầu tiên đến một căn cứ không quân ở Misawa, ở đầu phía bắc của đảo chính Honshu. Đây là nơi gần với một căn cứ không quân khác của Mỹ và căn cứ này cũng sẽ sớm triển khai những chiếc Global Hawk vào cuối năm nay.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch triển khai ba chiếc máy bay do thám Global Hawk trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016, tờ Yomiuri tiết lộ.
 
Misawa nằm cách phía bắc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 2.300km. Đây là khu vực mà Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc thường xuyên tiếp cận. Thỉnh thoảng, tàu thuyền Trung Quốc còn xâm nhập cả vào vùng lãnh hải tranh chấp, đặc biệt là kể từ sau khi Tokyo mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm 2012.
 
Global Hawk do Hãng Northrop Grumman chế tạo. Đây là loại máy bay được đánh giá là “sự kỳ diệu” của công nghệ Không quân Mỹ. Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Chiếc máy bay này có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao. Global Hawk cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.
 
Global Hawk dài 13,54m, có sải cánh 35,41m và cao 4,62m. Trọng lượng rỗng của máy bay là 3.851kg. Tốc độ tối đa là 800 km/h với trần bay khoảng 20 km. Loại máy bay do thám hiện đại này có khả năng bay liên tục 30 tiếng trước khi hết nhiên liệu và quan sát cả một vùng rộng lớn khoảng 100.000km2, sau đó ghi hình các mục tiêu.
 
Những máy bay do thám không người lái Global Hawk được trang bị thiết bị cảm biến tích hợp nâng cao (EISS) với hệ thống radar độ phân giải cao giúp máy bay có thể nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, cho phép phát hiện những vật thể có chiều dài khoảng 30cm khi đang bay ở độ cao 20km. Tuy nhiên, Global Hawk không có khả năng tấn công.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Không quân Mỹ sẽ duy trì hoạt động chung của máy bay Global Hawk nhằm đảm bảo chúng có thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, những thông tin mà phi đội Global Hawk thu thập được sẽ được chia sẻ và phân tích chung giữa Mỹ với Nhật Bản, tờ Yomiuri cho biết thêm.
 
Ngoài tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông với Nhật Bản, Trung Quốc còn đối đầu với một loạt quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
 
Vì thế, nhất cử nhất động về quân sự của Trung Quốc ở hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông đều được theo dõi chặt chẽ và tham vọng của Trung Quốc ở hai khu vực này đang reo rắc nỗi quan ngại sâu sắc không chỉ với các nước Châu Á mà cả với cộng đồng thế giới.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc