Thủ tướng Thái phải hứng “cú đấm” mạnh

07:36, 09/01/2014
|

(VnMedia) - Ủy ban chống tham nhũng của Thái Lan mới đây tuyên bố, cơ quan này đang tìm cách buộc tội hàng trăm chính khách của đảng Pheu Thai cầm quyền vì nỗ lực thất bại nhằm sửa đổi hiến pháp. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào nữ Thủ tướng Yingluck trước thềm cuộc “quyết chiến” của bà với lực lượng người biểu tình. Diễn biến này cũng sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nhiều tuần nay ở đất nước Thái Lan.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan – cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra các cáo buộc về lạm dụng quyền lực, hôm thứ Ba (7/1) thông báo, họ đang tiến hành các bước đi để buộc tội 308 chính khách có liên quan đến việc phác thảo và đề xuất những thay đổi đối với bản hiến pháp hiện hành hiện nay của Thái Lan với mục đích xây dựng một Thượng viện hoàn toàn do người dân bầu lên.

 

Hầu hết các chính khách trong danh sách bị buộc tội là đến từ đảng Pheu Thai cầm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck và họ đều là ứng cử viên cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 sắp tới.

 

Không rõ liệu thông báo trên của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan có ảnh hưởng gì đến tư cách ứng cử viên của hàng trăm chính khách nói trên.

 

Nhưng nếu bị kết tội lạm dụng quyền lực, các chính khách của đảng Pheu Thai sẽ bị cấm tham gia chính trường trong thời hạn 5 năm. Đây sẽ là điều bất lợi cho bà Yingluck.

 

Viện dẫn kết quả điều tra sơ bộ ban đầu, Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan đã loại ra khỏi danh sách buộc tội 73 chính khách, trong đó có nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra – người đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa đối với chính quyền của bà, trong đó có kế hoạch đóng cửa thủ đô Bangkok của người biểu tình vào ngày thứ Hai tới (13/1).

 

Trong quá khứ, các phán quyết của tòa án đóng vai trò then chốt trong nền chính trị đầy bất ổn của đất nước Thái Lan. Vì thế, giới chức trong đảng của bà Yingluck đã lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh, chính phủ đương nhiệm có thể sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chính quân sự hoặc pháp lý.

 

Phát ngôn viên đảng Pheu Thai – ông Anusorn Lamsa-ard cho biết, các nghị sĩ bị buộc tội đều chỉ làm nhiệm vụ của mình. “Họ là các nghị sĩ và công việc của họ là ban hành ra các luật”, ông Anusorn nói.

 

Cuộc điều tra của Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan được khởi động sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan hồi tháng 11 mới đây ra phán quyết, động thái xây dựng một Thượng viện gồm toàn các thượng nghị sĩ được dân bầu lên là hành động bất hợp pháp. Phán quyết này đã vấp phải làn sóng phản đối đầy tức giận của giới chức đảng Pheu Thai. Họ cho rằng, đây là một nỗ lực nhằm tìm cách lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck.

 

Những người phản đối một Thượng viện do dân bầu lên lo sợ rằng, sự thay đổi đó sẽ đem lại sự thống trị lớn hơn cho cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của nữ Thủ tướng Yingluck bởi gia đình Shinawatra sở hữu trong tay một lực lượng ủng hộ cực kỳ đông đảo. Ông Thaksin bị cáo buộc đang điều hành chính phủ từ xa và Thủ tướng Yingluck bị cáo buộc là “con rối” trong tay anh trai của bà.

 

Diễn biến bất lợi trên diễn ra trong bối cảnh bà Yingluck sắp phải đương đầu trong một cuộc “quyết chiến” với lực lượng biểu tình đối lập. Lực lượng này tuyên bố phát động một cuộc biểu tình đóng cửa toàn bộ thủ đô Bangkok vào ngày 13/1 tới để ép bà Yingluck tới đường cùng, buộc bà này phải ra đi.

 

15.000 cảnh sát, binh lính được huy động để đối phó với cuộc biểu tình

 

Theo giới chức Thái Lan tiết lộ ngày hôm qua (8/1), gần 15.000 cảnh sát và binh lính nước này sẽ được huy động đến Bangkok để sẵn sàng đối phó với kế hoạch đóng cửa thủ đô của người biểu tình.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 2/2 tới nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị đang nóng lên từng ngày hiện nay ở Thái Lan. Tuy nhiên, người biểu tình không chấp nhận kế hoạch bầu cử, quyết phá bằng được nỗ lực này của chính quyền.

 

Theo kế hoạch mới nhất được thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep thông báo, lực lượng của họ sẽ chiếm đóng thủ đô từ ngày 13/1 tới cho đến khi nào họ giành chiến thắng trong cuộc chiến lật đổ chính phủ.

 

Những người biểu tình dự định sẽ dựng lên một loạt sân khấu ở khắp thủ đô, ngăn cản các quan chức đi làm và cắt nguồn điện, nước đến các toàn nhà, cơ quan chính phủ.

 

Chính phủ đang huy động một lực lượng cảnh sát và binh lính hùng hậu gồm 14.880 người để đối phó với cuộc biểu tình lớn nói trên, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát quốc gia – ông Piya Uthayo cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ hay bạo lực nào”, ông Piya nói.

 

Hiện tại, hãng hàng không Singapore Airlines đã quyết định hủy 19 chuyến bay đến Bangkok từ ngày 13/1 đến 25/2. Trong khi đó, giới chức Bangkok đã chỉ đạo cho 146 trường học đóng cửa trong ngày 13/1 để tránh cuộc biểu tình đóng cửa thủ đô.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck cho biết, chính phủ của bà sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu thấy cần thiết trong tuần tới. Cùng với đó, phe áo đỏ ủng hộ Thủ tướng cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc biểu tình khắp cả nước để thể hiện sức mạnh trước lực lượng đối lập. Phe áo đỏ thề sẽ bảo vệ chính quyền của bà Yingluck.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc