Nữ Thủ tướng Thái nghiêm khắc cảnh cáo quân đội

07:19, 08/01/2014
|

(VnMedia) - Tư lệnh Lục quân Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha hôm qua (7/1) lại có những phát biểu mập mờ về khả năng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự. Đáp lại, nữ Thủ tướng Yingluck đã đưa ra lời cảnh báo đầy nghiêm khắc về một sự can thiệp của quân đội vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Mặc dù Tướng Prayuth liên tục tuyên bố muốn giữ cho quân đội tránh xa cuộc xung đột chính trị đang “sôi lên sùng sục” ở Thái Lan nhưng những phát biểu gần đây của ông này lại hết sức mập mờ, khó hiểu, khiến nhiều người lo sợ viễn cảnh quân đội lại sắp ra tay thực hiện một cuộc đảo chính mới, đẩy tình hình ở quốc gia Đông Nam Á thêm phần trầm trọng.

 

Khi được hỏi về khả năng diễn ra một cuộc đảo chính, Tư lệnh Lục quân Thái Lan hôm qua (7/1) đã nói: "Đừng sợ những việc chưa xảy ra . Nhưng nếu nó xảy ra, cũng đừng hoảng sợ. Có những tin đồn như vậy hàng năm”.

 

Tướng Prayuth còn nói thêm rằng, chính phủ của bà Yingluck sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bạo lực xảy ra trong ngày diễn ra cuộc biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok của lực lượng biểu tình vào hôm 13/1 tới.

 

Những phát biểu trên của ông Prayuth không tránh khỏi khiến nhiều người lo ngại về một sự can thiệp của quân đội vào tình hình chính trị Thái Lan hiện nay. Chính phủ của bà Yingluck tỏ ra quan ngại về khả năng quân đội sẽ bị lôi kéo vào việc thực hiện một cuộc đảo chính nếu những người biểu tình thực hiện kế hoạch đóng cửa Bangkok trong ngày thứ Hai tới.

 

Bà Sunisa Letphakkawat – một phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, tỏ ra nghi ngờ về việc các thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ có kế hoạch “bí mật” nhằm tổ chức một cuộc tấn công bạo lực nhỏ vào người biểu tình trong ngày họ đóng cửa thủ đô với mục đích là để tạo cớ cho quân đội thực hiện đảo chính.

 

Tuy nhiên, thủ lĩnh phong trào biểu tình - Suthep Thaugsuban phủ nhận nghi ngờ trên bất chấp thực tế là ông này đã có cuộc gặp riêng với giới tướng lĩnh quân sự cấp cao của Thái Lan hồi cuối tuần vừa rồi. “Nếu có một cuộc đảo chính xảy ra, đó sẽ là kết quả của những sai lầm của chính phủ”, ông Suthep đã tuyên bố như vậy.

 

Quân đội bị chính trị hóa cao của Thái Lan đã từng thực hiện tới 18 cuộc đảo chính quân sự kể từ những năm 1930. Lực lượng đầy quyền lực này đang nổi lên là một người chơi chính trước thềm cuộc “quyết chiến” giữa phe biểu tình với chính phủ của bà Yingluck vào tuần tới.

 

Tin đồn về một cuộc đảo chính đang lan rộng khắp thủ đô Bangkok sau khi quân đội thông báo việc triển khai các binh lính, trực thăng, xe tăng và nhiều vũ khí hạng nặng vào thủ đô để tham gia lễ diễu binh mừng Ngày Quân đội (18/1).

 

“Sự im lặng của quân đội đang gây ra cơn hoảng loạn về một cuộc đảo chính”, tờ Bangkok Post đã có bài viết nhan đề như vậy ngay ở đầu trang báo sáng nay.

 

Khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan trở nên ngày một nghiêm trọng kể từ hồi tháng 11, quân đội đã từ chối ủng hộ cho chính phủ cũng như từ chối ngăn cản người biểu tình xông vào chiếm đóng một loạt tòa nhà, văn phòng chính phủ.

 

Tư lệnh Lục quân Prayuth hồi tháng 12 còn khiến nhiều người giật mình khi bất ngờ từ chối bác bỏ khả năng thực hiện một cuộc đảo chính mới, nói rằng “cánh cửa đó không đóng cũng không mở và mọi việc phụ thuộc vào tình hình”.

 

Thủ tướng cảnh báo quân đội

 

Trước những phát biểu mập mờ của Tư lệnh Lục quân Thái Lan cùng những tin đồn đang dậy lên về khả năng sắp có đảo chính, nữ Thủ tướng Yingluck hôm nay đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc rằng, quân đội sẽ mắc sai lầm lớn nếu can thiệp vào tình hình chính trường hiện nay.

 

Theo bà Yingluck, quân đội sẽ không phát động thêm một cuộc đảo chính nữa để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị bởi “giới tướng lĩnh lực lượng vũ trang đã học được bài học từ quá khứ và họ sẽ phải cân nhắc, tính toán đến hậu quả lâu dài do một cuộc đảo chính gây ra”.

 

“Chúng ta đã có được bài học từ quá khứ rằng, những cuộc đảo chính chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Tôi muốn nhìn thấy một giải pháp lâu dài và là một giải pháp được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Giải pháp tốt nhất nằm ở đối thoại”, tờ Bangkok Post dẫn lời nữ Thủ tướng Yingluck cho biết.

 

Bà Yingluck và giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu Thái Lan vẫn thường xuyên tiếp xúc với nhau và tin tưởng lẫn nhau, Tổng Thư ký của Thủ tướng – ông Suranand Vejjajiva cho biết. Ông này nói thêm rằng, ông tin giới lãnh đạo quân đội sẽ không tính đến chuyện thực hiện một cuộc đảo chính mới.

 

Một số nhà phân tích cũng có chung quan điểm với ông Suranand. Theo các chuyên gia, quân đội Thái Lan đã phải “gánh đủ” những tổn thất về hình ảnh khi can thiệp vào chính trường, đặc biệt là sau vụ lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006. Sau khi tiếp quản quyền lực từ ông Thaksin trong giai đoạn từ tháng 9 năm 2006 đến tháng 12 năm 2007, “quân đội đã không điều hành đất nước được một cách suôn sẻ và chính quyền này bị chỉ trích dữ dội”, chuyên gia Nicholas Farrelly đến từ rường Đại học Quốc gia Australia, cho biết.

 

Tiếp đó, vào năm 2010, quân đội đã thực hiện một cuộc đàn áp thẳng tay người biểu tình áo đỏ bằng cách cho xe tăng tiến thẳng vào các khu vực trung tâm thủ đô Bangkok và triển khai lực lượng bắn tỉa. Ít nhất 5 người đàn ông và một phụ nữ không tấc sắt trong tay đã bị binh lính bắn chết khi đang trú ẩn trong một ngôi chùa. Chính quyền khi đó cũng được cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 16 trong số 92 người biểu tình bị thiệt mạng. Công chúng phẫn nộ. Những chuyện xảy ra năm 2010 dù thế nào cũng là thảm họa đối với quân đội. Vì thế, từ đó trở đi, quân đội có xu hướng lùi về phía sau.

 

Bản thân Tư lệnh Hải quân Thái Lan cũng từng tuyên bố, quân đội học được bài học trong quá khứ và sẽ không phát động thêm một cuộc đảo chính quân sự mới. Mặc dù vậy, chẳng có gì là không thể xảy ra trên chính trường nên không thể bác bỏ hoàn toàn khả năng quân đội quyền lực ở quốc gia Đông Nam Á sẽ thực hiện cuộc đảo chính thứ 19.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc