Các cường quốc lại thua đau trước Syria

07:22, 06/11/2013
|

(VnMedia) - Sau một ngày hội họp đầy căng thẳng và mệt mỏi, các nhà ngoại giao đến từ hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ cùng với đại diện của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới – Liên Hợp Quốc đã một lần nữa phải chấp nhận thất bại cay đắng khi tiếp tục không thể thống nhất được với nhau về một ngày giờ cụ thể cho hội nghị hòa bình ở Geneva. 
 

Ảnh minh họa


Đặc phái viên Brahimi


Như vậy, nỗ lực đưa các phe nhóm đối địch nhau trên chiến trường Syria ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này lại "hứng" thêm một bước thụt lùi mới.
 
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria – ông Lakhdar Brahimi hôm qua (5/11) thừa nhận, cuộc họp ba bên giữa Liên Hợp Quốc và Nga, Mỹ đã không thể ấn định được thời gian cho một hội nghị hòa bình đã bị trì hoãn từ lâu nay được gọi là Geneva II.
 
"Chúng tôi đã rất hy vọng có thể thông báo về một ngày giờ cụ thể trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, không may là chúng tôi đã không làm được điều đó”, ông Brahimi cho biết tại một cuộc họp báo sau một loạt cuộc gặp gỡ với hai Thứ trưởng Nga Mikhail Bogdanov và Gennady Gatilov; Thứ trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - ông Wendy Sherman, và đại diện đến từ các nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các nước láng giềng của Syria như Iraq, Jordan, Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp nóng bỏng ngày hôm qua tiếp tục vấp phải những cản trở cũ. Các cường quốc tế giới vẫn bất đồng sâu sắc về những bước đi ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như diện mạo của chính phủ tương lai của nước này. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố, họ không đến hội nghị Geneva II để trao lại quyền lực trong khi Nga tiếp tục nhấn mạnh tính cần thiết của việc Iran phải tham gia vào hội nghị hòa bình sắp tới. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc thông báo, có đến 40% người dân Syria đang rất cần được viện trợ nhân đạo.
 
Cuộc nội chiến ở Syria đã đẩy hơn 9 triệu người dân vào tình trạng cần được viện trợ nhân đạo, trong đó có 6,5 triệu người đang sống trong tình trạng lay lắt, không nhà không cửa, ông Jens Laerke – một phát ngôn viên của Văn phòng Phối hợp Các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, cho biết.
 
Sau cuộc gặp ba bên trên, cuộc họp được mở rộng với sự tham gia của thêm 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Anh, Pháp và Trung Quốc. Đến chiều ngày hôm qua, cuộc họp này có thêm sự tham gia của 4 nước láng giềng của Syria gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Jordan và Iraq.
 
Tuy nhiên, cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong vấn đề tổ chức hội nghị hòa bình Geneva II và một trong những vấn đề bế tắc chính vẫn là vai trò tương lai của ông Assad.
 
Cản trở từ phe nổi dậy Syria
 
Trong khi Damascus tuyên bố sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán với phe đối lập Syria trong hội nghị hòa bình ở Geneva sắp tới thì phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn vẫn chia rẽ sâu sắc về thành phần tham dự cuộc đàm phán này cũng như vai trò của ông Assad trong chính phủ tương lai.
 
Vai trò của Tổng thống Assad trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria vẫn là vấn đề hóc búa đối với Liên minh Quốc gia Syria. Lực lượng này vẫn khăng khăng nhấn mạnh họ sẽ không đến Geneva trừ khi có một thời gian biểu chặt chẽ cho việc ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
 
Ngoài phe đối lập chính là Liên minh Quốc gia Syria, các phe nhóm nổi dậy khác nhau, trong đó có những nhóm quyền lực nhất có liên quan đến Al-Qaida như Mặt trận Nusra hay Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant, cũng đều cho biết, họ chẳng quan tâm đến hội nghị hòa bình ở Geneva cũng như chẳng thừa nhận Liên minh Quốc gia Syria là đại diện cho phe đối lập.

Về phần mình, chính quyền của ông Assad cũng giữ lập trường cứng rắn khi tuyên bố: “Những gì diễn ra ở Geneva sắp tới là một tiến trình chính trị chứ không phải là việc chuyển giao quyền lực”.
 
Chính phủ Syria khẳng định rõ ràng việc họ ủng hộ tổ chức một hội nghị hòa bình như một cách để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua ở nước này nhưng phe nổi dậy dường như đang tìm cách trì hoãn nỗ lực của cộng đồng quốc tế bằng cách khăng khăng bám vào điều kiện đòi ông Assad từ chức.
 
Ngoài ra, bản thân phe nổi dậy Syria cũng chưa thể tìm được lực lượng đại diện cho họ đến tham dự hội nghị Geneva.
 
Theo lời ông Brahimi, hội nghị Geneva II sẽ khác hoàn toàn với Geneva I. Theo đó, cả chính quyền Syria và phe nổi dậy đều được cử đại diện của họ đến tham dự. Tuy vậy, phe nổi dậy vẫn chưa sẵn sàng.
 
"Phe nổi dậy đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Họ đang bị chia rẽ. Họ đang nỗ lực hết sức để có thể sẵn sàng”, đặc phái viên Brahimi nói.
 
Một mâu thuẫn khác trong cuộc họp ngày hôm qua là vấn đề tham dự của Iran. Phe nổi dậy Syria không muốn Iran – một đồng minh của chính quyền Assad có mặt trong hội nghị ở Geneva sắp tới. Tuy nhiên, Nga tuyên bố, Iran phải là một phần của hội nghị đó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tuyên bố của Lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria Ahmad al-Jarba về việc họ sẽ không đến Geneva nếu Iran được mời là “mang tính khiêu khích”. Ông Lavrov nhấn mạnh, hội nghị Geneva sẽ phải được tiến hành mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào được đưa ra.
 
Bất chấp kết quả “thảm hại” trên, đặc phái viên Brahimi vẫn cho rằng, điều đó không có nghĩa là mọi hy vọng được đặt vào hội nghị ở Geneva sắp tới đã tan vỡ. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng để xem xem liệu chúng tôi có thể tổ chức hội nghị đó vào trước cuối năm nay hay không”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc