Phe nổi dậy bị Mỹ bỏ rơi?

08:00, 09/10/2013
|

(VnMedia) - Sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra những lời ngợi khen nỗ lực tích cực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong việc giải trừ vũ khí hoá học, nhiều người đang tự hỏi liệu đó có phải là dấu hiệu chính quyền Mỹ chìa tay ra với ông Assad và bỏ rơi phe nổi dậy mà họ hậu thuẫn bao lâu nay hay không?
 

 Ảnh minh họa

 Phe nổi dậy Syria hoang mang trước lập trường của Mỹ


Phát biểu trước giới báo chí bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Kerry hôm 7/10 đã giành những lời ngợi khen hiếm hoi cho chính quyền của Tổng thống Assad về tiến trình giải giáp vũ khí hóa học. "Tôi cho rằng, chính quyền Assad rất đáng khen khi tuân thủ nhanh chóng những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Chúng tôi hy vọng, điều đó sẽ tiếp tục. Đó là một khởi đầu tốt đẹp và chúng ta nên hoan nghênh khởi đầu suôn sẻ đó”, ông Kerry đã nói như vậy.
 
Phát biểu trên của ông Kerry đã làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu đó có phải là dấu hiệu chứng tỏ chính quyền Mỹ đã quay lưng với phe nổi dậy Syria và đang chìa tay ra với chính quyền Assad. Phe nổi dậy và các nhà hoạt động đối lập ở Syria đương nhiên là cảm thấy tức giận và thất vọng trước diễn biến mới nói trên.
 
Người ta có lý do để đặt ra những câu hỏi nghi vấn xung quanh lời khen ngợi của Ngoại trưởng Mỹ Kerrry đối với chính quyền Syria. Mỹ vốn là nước ủng hộ cho phe nổi dậy Syria trong cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, trong cuộc nổi dậy kéo dài suốt hơn 2,5 năm qua, Mỹ chưa đưa ra bất kỳ hành động ủng hộ có ý nghĩa thực sự nào cho phe nổi dậy Syria ngoài sự ủng hộ “bằng miệng”. Hơn nữa, theo thời gian, nội bộ trong phe nổi dậy Syria ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất đồng với thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan hay lực lượng có liên quan đến Al-Qaeda ngày càng có ảnh hưởng. Đây là điều mà Mỹ cùng các đồng minh phương Tây không hề muốn chứng kiến. Nó cũng là lý do khiến Mỹ thêm chùn tay trong ý định hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria.
 
Trước những hoài nghi về lời ngợi khen của Ngoại trưởng Kerry, Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng làm rõ lời phát biểu tích cực một cách bất thường của nhà ngoại giao hàng đầu nước này.
 
“Không ai dành lời ngợi khen cho ông Assad”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf đã nhấn mạnh như vậy tại một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua, ngay sau những phát biểu của Ngoại trưởng Kerry.
 
Lập trường của Mỹ vẫn là, ông Assad không thể đóng vai trò gì trong chính phủ tương lai ở Syria và đây là lập trường “không thay đổi”, bà Harf nói thêm.
 
“Lập trường của chúng tôi về ông Assad vẫn như vậy. Ông ta đã hoàn toàn mất tính hợp pháp để lãnh đạo đất nước Syria. Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới hội nghị Geneva II để lựa chọn bộ máy lãnh đạo trong chính phủ chuyển tiếp ở Syria”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
 
Cũng theo bà Harf, phe nổi dậy Syria chắc chắn sẽ không cho phép ông Assad tiếp tục cầm quyền. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, Đại sứ Mỹ tại Syria – ông Robert Ford đã tổ chức một cuộc họp “rất hiệu quả” hồi cuối tuần với phe nổi dậy Syria ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có chỉ huy phe nổi dậy Salim Idris.
 
Bà Harf thẳng thừng bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng, những lời khen ngợi của Ngoại trưởng Kerry thể hiện sự thay đổi lập trường của Mỹ đối với tương lai của Tổng thống Assad mặc dù bà này cũng thừa nhận động thái của chính phủ Assad là “một bước tiến”.
 
"Lập trường của chúng tôi về việc ông Assad phải ra đi là điều không thể thay đổi và lời ngợi khen đó không phải là dấu hiệu chứng tỏ ông ấy có thể tiếp tục cầm quyền”, bà Harf nói thêm.
 
100 chuyên gia Liên Hợp Quốc thực hiện sứ mệnh ở Syria
 
100 chuyên gia của Liên Hợp Quốc và tổ chức giám sát vấn đề cấm sử dụng vũ khí hoá học trên toàn cầu sẽ được huy động đến Syria trong vòng 8 tháng tới để giúp thu giữ cũng như phá huỷ toàn bộ kho vũ khí hoá học lên tới gần 1.000 tấn. Đây là một sứ mệnh cực kỳ nguy hiểm và nó có thể thất bại nếu không nhận được sự hợp tác từ Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua đã phát biểu như vậy.

Trong một bản báo cáo dài 10 trang được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon cho biết, ông sẽ lập một nhóm công tác chung với Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hoá học để thực hiện nhiệm vụ ở Syria. Nhóm này sẽ đóng chốt tại thủ đô Damascus của Syria nhưng bao gồm cả địa điểm làm việc ở quốc đảo Cyprus nằm trên biển Địa Trung Hải. Theo giải thích của ông Ban, địa điểm làm việc ở Cyprus sẽ giúp tăng cường an ninh cho các nhân viên và các thiết bị chuyên biệt để giúp giám sát, vô hiệu hoá khối lượng lớn vũ khí hoá học của chính quyền Assad.
 
Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, con số nhân viên ban đầu đến làm việc ở Syria là 35 và sẽ tăng đến gần 100 trong thời gian tới.
 
Chính quyền của Tổng thống Assad đã cam kết giao nộp và huỷ bỏ toàn bộ kho vũ khí hoá học của mình theo đề xuất của phía Nga để tránh chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây. Washington và các đồng minh đã đổ lỗi cho chính quyền Assad thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hoá học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 vừa rồi. Vì thế, các nước này nhăm nhe ý định tấn công trừng phạt Syria. Tuy nhiên, Moscow đã nhanh chóng đưa ra được một đề xuất mang tính đột phá, chặn đứng chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây.
 
Theo đề xuất của Nga được chính quyền Assad chấp nhận, Syria sẽ giao nộp vào huỷ bỏ toàn bộ kho vũ khí hoá học của nước này vào giữa năm sau.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc