Chính quyền Syria đang vô cùng mong manh?

09:09, 24/08/2013
|

(VnMedia) - Các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây vừa đưa ra đánh giá sơ bộ, trong đó nói rằng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công gần thủ đô Damascus . Thông tin này khiến cho sức ép đòi Mỹ phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria tăng lên. Diễn biến này cho thấy, số phận của Tổng thống Assad đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu Mỹ và phương Tây quyết định tiến đánh Syria thì đây có thể là dấu chấm hết cho chính quyền Syria . Còn nếu ngược lại, phe nổi dậy Syria đối mặt với nguy cơ tan vỡ.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad đang "nín thở" chờ quyết định của chính quyền Mỹ.


Theo các nguồn tin an ninh từ Mỹ và Châu Âu, giới tình báo Mỹ và phương Tây bước đầu đánh giá, lực lượng Syria đã sử dụng vũ khí trong trận đánh gần thủ đô Damascus hồi tuần này và hành động đó có thể được phê chuẩn từ bộ máy quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Đánh giá ban đầu của tình báo trên rõ ràng đã tăng thêm áp lực đòi Tổng thống Barack Obama phải hành động mạnh tay hơn với Syria bởi ông này từng nhiều lần tuyên bố, việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là bước qua “lằn ranh đỏ” và điều đó có nghĩa là Tổng thống Assad sẽ phải chịu sự trừng phạt.

 

Nguồn tin an ninh giấu tên nói trên đã thận trọng cho biết, đánh giá của tình báo Mỹ và phương Tây ở giai đoạn này mới chỉ là sơ bộ, ban đầu và họ còn phải tìm kiếm thêm các bằng chứng toàn diện hơn nữa. Quá trình đó đòi hỏi phải mất nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí là lâu hơn nữa.

 

Tuy nhiên, với việc cộng đồng quốc tế đang bày tỏ sự phẫn nộ trước việc hàng trăm người dân Syria, trong đó có nhiều trẻ em, chết thảm vì nghi bị hít phải khí độc gây tê liệt thần kinh trong cuộc tấn công mới đây, chính quyền Mỹ dường như đang phải đối mặt với một vấn đề khẩn cấp, đòi hỏi họ phải nhanh chóng ra quyết định.

 

Số phận của Assad phụ thuộc vào quyết định của Mỹ

 

Trong phát biểu công khai đầu tiên về vụ tấn công được cho là liên quan đến vũ khí hóa học diễn ra hôm thứ Tư (21/8) ở ngoại ô thủ đô Damascus, Tổng thống Obama đã gọi đó là một vụ việc “cực kỳ đáng lo ngại”, khiến Mỹ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, ông không vội vàng đưa ra quyết định để lôi Mỹ “mắc kẹt” thêm vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông.

 

Phản ứng của ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy rõ sự chần chừ không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến Syria của chính phủ Mỹ mặc dù các quan chức của cường quốc quân sự số 1 thế giới vẫn đang "nâng lên đặt xuống" các lựa chọn, từ việc áp dụng gói biện pháp trừng phạt quốc tế cho đến việc dùng vũ lực, có thể là các cuộc không kích nhằm vào lực lượng của ông Assad.

 

Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Obama hôm thứ Năm (22/8) đã tổ chức một cuộc họp với các thành viên của Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo ở Nhà Trắng nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

 

Cuối tuần này, bộ máy lãnh đạo dân sự và an ninh chủ chốt của Mỹ sẽ tiếp tục họp bàn về vấn đề Syria và một quyết định có thể được sớm đưa ra, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ. Tuy nhiên, dường như khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria là không thể khi mà Mỹ chưa tham vấn các đồng minh cũng như chưa nhận thêm được những phân tích, đánh giá từ các cơ quan tình báo.

 

Một quan chức Mỹ thừa nhận, những người tham gia cuộc họp về Syria đưa ra “các quan điểm rất khác nhau”, từ đó dẫn đến sự mâu thuẫn về cách thức phản ứng. Tuy nhiên, Tổng thống Obama tỏ ra rất thận trọng trong việc đưa ra một quyết định về vấn đề Syria vào lúc này. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Assad chắc rằng đang “nín thở” chờ xem phản ứng của phía Mỹ bởi số phận của họ phụ thuộc vô cùng nhiều vào quyết định của cường quốc số 1 thế giới.

 

Khi mọi người dùng phát biểu về “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Obama đưa ra trước đây để ép Nhà lãnh đạo Mỹ phải hành động, ông này đã nói: “Nếu Mỹ ra tay, phát động chiến dịch tấn công vào một nước khác mà không được sự ủy quyền, cho phép của Liên Hợp Quốc và không có bằng chứng xác đáng về việc nước đó sử dụng vũ khí hóa học thì sẽ có những câu hỏi được đặt ra về việc luật phát quốc tế có ủng hộ cho một hành động như vậy hay không. Quan niệm cho rằng Mỹ bằng cách nào đó có thể giải quyết vấn đề chia rẽ sắc tộc phức tạp trong nội bộ đất nước Syria dường như là quá cường điệu, phóng đại”.

 

Trong khi nhiều quan chức Mỹ cũng như giới chuyên gia phân tích tin rằng, Mỹ sẽ không phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria thì những người này cũng cho rằng, Mỹ có thể thực hiện một chiến dịch sử dụng vũ lực hạn chế để duy trì uy tín quốc tế của mình chứ không phải để lật đổ Tổng thống Assad.

 

"Họ cảm thấy phải có nghĩa vụ làm điều gì đó bởi vì vấn đề uy tín là rất quan trọng. Một cái gì đó giống như sử dụng vũ lực hạn chế là có thể ở đây”, một cựu quan chức Mỹ đã nói như vậy. Rõ ràng, ông Obama đã từng lớn tiếng tuyên bố Tổng thống Assad sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chính quyền của ông này sử dụng vũ khí hóa học. Vì vậy, Mỹ không thể làm khác được ngoài việc đưa ra một số hành động cụ thể.

 

Tuy nhiên, có nhiều lý do để ông Obama và chính quyền của ông này thẳng thừng bác bỏ khả năng can thiệp quân sự sâu hơn vào Syria , đặc biệt là việc đưa quân vào chiến trường này. Tổng thống Obama còn quá nhiều vấn đề trong nước phải xử lý nên không thể hành động quyết liệt ở Syria – một cuộc chiến mà người dân của ông không muốn can dự vào.

 

Nếu không có Mỹ dẫn đầu thì các cường quốc phương Tây cũng không muốn can thiệp vào Syria . Sở dĩ nói số phận của ông Assad đang “ngàn cân treo sợi tóc” là vì nó phụ thuộc phần lớn vào quyết định đánh hay không đánh của ông chủ Nhà Trắng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc