Trung Quốc cố tình phớt lờ Luật biển Quốc tế

08:15, 11/12/2012
|

(VnMedia) - Hôm nay 10/12/2012 đánh dấu tròn đúng 30 năm ngày Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982 hay UNCLOS 1982) ra đời. Đây được xem là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã tuân thủ một cách nghiêm túc văn bản luật này. Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng, dù là thành viên của UNCLOS 1982 và dù là một nước lớn nhưng Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế bất bình vì không tôn trọng văn bản luật mà chính họ đã ký kết tham gia này.
 
Sau hơn 13 năm chuẩn bị và trải qua quá trình đàm phán giữa các nước, ngày 10/12/1982, Công ước luật Biển năm 1982 đã được đưa ra ký kết tại Jamaica. Hiện có 162 nước phê chuẩn và tham gia UNCLOS 1982. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký UNCLOS 1982.
 
UNCLOS 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương bởi vì nó là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định được các quyền và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi quốc gia đối với vùng biển. UNCLOS 1982 cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và đại dương như Tòa án quốc tế về luật Biển, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Hội nghị các quốc gia thành viên công ước. Liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước luật Biển năm 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.
 
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về dự thảo Công ước luật Biển năm 1982. Sau khi chính thức phê chuẩn UNCLOS 1982 và trở thành thành viên của Công ước Luật Biển này, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào các các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực.
 
Kể từ khi ký kết tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm túc văn bản luật quan trọng này. Điều này được thể hiện rất rõ trong quá trình Việt Nam tiến hành các hoạt động khai thác những vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam luôn tôn trọng quyền của các quốc gia khác ở ven Biển Đông cũng như các quốc gia khác theo đúng các quy định của công ước.
 
Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng, Trung Quốc dù là nước đã phê chuẩn UNCLOS 1982 như Việt Nam nhưng những hành động của nước này luôn đi ngược lại với những quy định được đưa ra trong công ước.
 
Đáng ra, với tư cách là nước lớn, Trung Quốc phải là nước gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện UNCLOS 1982 - một văn bản mà chính họ đã ký kết thừa nhận. Tuy nhiên, đây là điều mà Trung Quốc không làm được. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở những vùng lãnh hải thuộc Biển Đông. Một trong những “bằng chứng” rõ nét nhất cho thấy Trung Quốc không tôn trọng UNCLOS 1982 là việc nước này đưa ra yêu sách đường lưỡi bò phi lý, ngang ngược. Theo đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đến 80% Biển Đông, xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của nhiều nước khác.
 
Để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã không ngần ngại đưa ra một loạt những động thái đầy khiêu khích ở khu vực biển của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền quấy nhiễu các tàu thuyền của Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc còn đưa ra nhiều chính sách, nhiều bước đi nhằm khẳng định chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ, lãnh hải vốn đã được luật quốc tế công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Trước những động thái đi ngược lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam vẫn luôn giữ một thái độ điềm tĩnh, kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình dựa trên UNCLOS 1982 và thông qua các biện pháp hòa bình.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc