Ngày mai Trung Quốc đưa dàn khoan ra biển Đông

17:26, 08/05/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất ở Biển Đông vào sử dụng trong ngày mai (9/5). Đây là tuyên bố vừa được Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương – công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc, đưa ra ngày hôm qua (7/5).
 
Giàn khoan có tên "Dầu khí Hải dương 981" sẽ được đưa vào hoạt động ở khu vực lãnh hải cách Hồng Kông về phía đông nam 320km và ở độ sâu 1.500m, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết trong một tuyên bố.
 
Trước đó, báo chí cho biết, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan "Dầu khí Hải dương 981" ở Biển Đông từ cuối tháng 5/2011 để hoạt động thử nghiệm.
 
Giàn khoan 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm, nửa nổi và có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m. Nó thuộc thế hệ giàn khoan thứ sáu trên thế giới và là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Với chiều dài hơn 650m, cao 136m, trọng tải 30.000 tấn, giàn khoan 981 được Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí”. Tổng kinh phí để xây dựng “tàu sân bay dầu khí” này lên tới 935 triệu USD và chi phí hoạt động có thể lên tới 1 triệu USD/ngày.
 
Giàn khoan 981 được coi là một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, các thiết bị, vật liệu, công nghệ được lắp trên giàn khoan 981 còn lâu mới có thể sánh được với các quốc gia Châu Âu.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây nhiều nước trong khu vực muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều nước lớn muốn can thiệp vào các cuộc tranh chấp này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc