Đặc sắc Tết cổ truyền các nước châu Á

06:45, 23/01/2012
|

(VnMedia) - Tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin và hy vọng mới là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của mọi đất nước, mọi dân tộc. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có những truyền thống đón Tết mang những nét đặc trưng văn hóa khác nhau.

 

Khác với những nước phương Tây thường đón năm mới vào ngày mùng 1/1 theo Dương lịch, thì nhiều quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam lại đón Tết theo lịch Trung Quốc (âm dương lịch).

 

Tết của các quốc gia châu Á mang rất nhiều nét truyền thống độc đáo của văn hóa phương Đông.

 

Sau đây hay cùng tìm hiểu truyền thống đón Tết của một số quốc gia châu Á:

 

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mau và cả vùng hải đảo, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng

 

Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần "lễ" cũng như phần "hội" đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà.


Ảnh minh họa
Tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam

 

Việc ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời-Sinh vật), chữ NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên.

 

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

 

Cùng với việc treo những bức tranh dân gian, câu đối, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...  

 

Một nét đặc trưng không thể không nói đến trong dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là bánh chưng. Xưa kia, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các thành viên trong một gia đình thường cùng nhau chuẩn bị và gói bánh chưng rồi cùng xum vầy bên nồi bánh chưng đỏ lửa.

 

Đó là một nét văn hóa và cũng như ẩm thực độc đáo của người Việt Nam.

 

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài bánh chưng đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mân ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngoài ra, ngày Tết, dân tộc Việt Nam còn có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ...


 

Tết Tsagaan Sar của Mông Cổ

 

Tương tự như các quốc gia đón năm mới theo lịch Trung Quốc, người Mông Cổ cũng đón chào Tết cổ truyền với những nét văn hóa đặc sắc riêng có. Tsagaan Sar - Tết cổ truyền của người Mông Cổ diễn ra gần với khoảng thời gian Tết cổ truyền của người Trung Quốc. Theo tập quán của Mông Cổ, vào những ngày trọng đại này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.


Ảnh minh họa
Nhóm lửa trước khi mặt trời mọc trong ngày đầu năm mới của người Mông Cổ

 

Đêm giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Đặc biệt, mọi người sẽ ăn thật no vì họ tin rằng nếu không làm như vậy thì trong suốt cả năm mới sẽ bị đói. Vào ngày đầu năm mới, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh.

 

Trong dịp lễ đặc biệt này, người Mông Cổ thường tụ tập ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong khi chúc Tết, các thành viên trong gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Sau khi thực hiện nghi thức này, họ cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao cho nhau những món quà để cầu chúc một năm mới thịnh vượng và ấm no.

 

Tết là thời điểm tiễn một năm cũ đã qua và đón chào một năm mới đến. Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có phong tục tập quán riêng được gìn giữ qua bao thế hệ. Dù có không ít nét khác biệt do đặc thù văn hóa song tựu chung lại, đây vẫn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp để đón chào một khởi đầu mới bình an và hạnh phúc.

 

Tết Seollal của Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollah, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Đây chính là đại lễ quan trọng nhất trong năm, còn có tên gọi khác nữa là Won Dan, theo âm tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa
Món ttok-kuk  - Món ăn truyền thống dịp Tết của người Hàn Quốc


Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những tuần giáp Tết, người Hàn Quốc, nhất là giới trẻ, thường trao cho nhau các tấm bưu thiếp để cảm ơn về những gì đã có trong năm cũ và cầu chúc một năm mới hạnh phúc đang đến.


Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất và cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau nghi lễ này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi. Với các trẻ em, đây còn là dịp để chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở nhiều địa điểm công cộng như: kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori - một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.


Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi bàn về ngày Tết Nguyên đán của Hàn Quốc mà không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong mối quan hệ chặt chẽ với các nghi thức thờ cúng thần, Phật và tổ tiên. Đồ ăn để cúng thần, Phật, tổ tiên được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Đồ ăn dâng cúng có khi bao gồm hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà). Thực đơn cho ngày Tết, nhất là trong ngày mùng một, có thể khác nhau tùy theo tập quán của từng địa phương, nhưng phổ biến chung cho toàn quốc thường có món ttok-kuk bởi người Hàn Quốc cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Thêm nữa, do trên 50% dân số Hàn Quốc theo đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão vốn đều du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước, nên đa số các gia đình Hàn Quốc đến nay vẫn rất coi trọng việc thờ cúng đức Phật, thần linh và tổ tiên. Vào dịp Tết, các gia đình đều tiến hành nghi lễ cúng Phật, thần linh và tổ tiên vào thời khắc giao thừa. Vào sáng sớm mồng một Tết, sau khi cả nhà tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool (một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy), cả nhà lại tiến hành tiếp nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do người trưởng nam đứng ra làm nghi lễ.


Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “Say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “Mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn Quốc treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.

 


Đan Khanh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc