Vì sao Phương Tây chùn tay trước Nga?

18:06, 01/12/2014
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục tung ra các đòn trừng phạt mới liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều đáng chú ý ở đây là thay vì nhằm vào Nga như trước đây, EU lại “chỉ dám” trừng phạt những quan chức ở miền đông Ukraine dù vẫn liên tục chỉ trích không tiếc lời Moscow. Vì sao EU lại có hành động kỳ lạ như vậy?
 

Ảnh minh họa

Giới chức lãnh đạo EU đau đầu vì "tính kế" đối phó với Nga


EU né Nga, tung đòn với lực lượng ly khai Ukraine

 
Liên minh Châu Âu hồi cuối tuần vừa rồi đã chính thức thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những quan chức của lực lượng ly khai chịu trách nhiệm về các cuộc bầu cử diễn ra hôm 2/11 ở miền đông Ukraine. Cụ thể, một loạt thành viên và tổ chức của lực lượng ly khai miền đông Ukraine sẽ phải hứng chịu biện pháp trừng phạt phong toả tài sản và cấm đi lại ở Châu Âu.
 
Theo thông báo của EU, liên minh này sẽ thêm vào danh sách trừng phạt của họ 13 thành viên của lực lượng ly khai và 5 tổ chức chính trị của họ. Trước đó, |”danh sách đen” của EU đã bao gồm 119 cá nhân và thực thể, chủ yếu là đến từ Nga.
 
Lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã tổ chức các cuộc bầu cử riêng của họ hôm 2/11, nói rằng đây là bước tiếp theo sau khi các cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực này cho kết quả ủng hộ tiến trình đòi độc lập với Ukraine.
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu lên án những cuộc bầu cử trên là bất hợp pháp trong khi Nga tuyên bố thừa nhận kết quả của các cuộc bầu cử đó. Quan điểm khác nhau hoàn toàn về các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine của Nga và EU đã làm trầm trọng thêm nữa cuộc đối đầu Đông-Tây. Cuộc đối đầu được châm ngòi từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine này đang leo thang lên mức căng thẳng nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh.
 
Phương Tây do Mỹ dẫn đầu liên tục đổ lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Bất chấp những lời bác bỏ mạnh mẽ của Moscow, EU và Mỹ vẫn tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà cao trào là những “đòn” nhằm thẳng vào các ngành kinh tế then chốt như năng lượng, quốc phòng và tài chính.
 
Mỹ và EU luôn khăng khăng đòi Nga phải thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine nếu muốn được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang gây tổn thương đến nền kinh tế của nước Nga cũng như người dân Nga.
 
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Putin vẫn kiên quyết giữ vững lập trường đối với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Moscow kêu gọi chính quyền Kiev ngừng các chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine và ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai để tìm kiếm một giải pháp chính trị.  Tuy nhiên, Kiev phớt lờ mọi lời kêu gọi từ Moscow. Kết quả là tình hình Ukraine không có tiến triển gì dù chính quyền Kiev và lực lượng ly khai đã ký kết thoả thuận ngừng bắn.
 
Với cái cớ là tình hình ở Ukraine không thay đổi gì do Nga không nỗ lực hợp tác để giải quyết tình hình, giới chức EU liên tục đe doạ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thêm nữa nhằm vào Nga. Tuy nhiên, với thông báo mới nhất hồi cuối tuần, EU rõ ràng đã “né” Nga. Có vẻ như EU trong thời gian qua chỉ là “tung đòn gió” với Nga chứ không dám ra tay thực sự với cường quốc Đông Âu này.
 
Vì sao EU phải “né” Nga?
 
Việc EU “né” Nga không phải là điều gì bất ngờ mà hoàn toàn có thể được dự đoán trước dù giới chức EU luôn tung hoả mù về việc sẽ không ngần ngại áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Có 3 lý do để EU lần này phải chùn tay trước Nga. Thứ nhất, thực tế cho thấy, EU đã “ngầm đòn đau” không kém Nga bởi chính những đòn trừng phạt mà họ nhằm vào đối phương cũng như từ đòn trả đũa của Moscow.
 
Chỉ cần xem qua một vài con số mới nhất do văn phòng thống kê của Châu Âu - Eurostat cung cấp cũng có thể thấy mức độ ảnh hưởng tiêu cực mà EU phải gánh chịu vì việc tham gia vào cuộc chiến thương mại với Nga. Cụ thể, trong tháng 8, tháng ngay sau khi EU áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay về kinh tế đối với Nga, xuất khẩu của EU sang Nga đã sụt giảm 19%, còn 7,9 tỉ euros (9,91 tỉ USD) so với tháng 7. EU đã tổn thất gần 2 tỉ euros chỉ trong vòng 1 tháng. Mặc dù dữ liệu chưa được điều chỉnh theo nhịp điệu của mùa vụ nhưng xuất khẩu của EU sang Nga cũng đã giảm 18% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoài. Đây vốn được xem là thời điểm bận rộn cho các nhà xuất khẩu. Tổng xuất khẩu của EU trong 8 tháng đầu năm nay cũng đã giảm đi 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Hồi tháng 8, xuất khẩu máy móc và các phương tiện vận tải như xe ô tô, máy kéo của EU sang cho Nga đã giảm đến mức 23% so với tháng 7. So với cách đây một năm, xuất khẩu trong lĩnh vực trên đã giảm 21%. Xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất cũng giảm 16% trong tháng 8 trong toàn bộ khối liên minh gồm 28 thành viên EU. Đức – nước chiếm 1/3 xuất khẩu sang Nga, chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong khi xuất khẩu hàng hoá của Italia giảm đến gần một nửa.
 
Cùng với đó, hàng triệu người nông dân EU cũng đang kêu cứu khi bỗng nhiên mất đi thị trường rộng lớn là Nga.
 
Điều đáng nói hơn là các doanh nghiệp Châu Âu đang lo lắng phát sốt vì khả năng mất trắng thị trường Nga rộng lớn, béo bở vào tay các đối thủ như Trung Quốc. Đây là điều đang xảy ra trên thực tế và việc giành lại thị trường sẽ không phải là điều dễ dàng.
 
Ngoài lý do tổn thất nặng nề trên, EU cũng cảm thấy mệt mỏi vì rõ ràng các đòn trừng phạt của họ chẳng thể làm thay đổi lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Putin. Không những thế, phương pháp tiếp cận của EU còn khiến người Nga thêm quyết tâm giữ vững lập trường của họ và sẵn sàng thách thức EU. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt phát biểu của giới chức cấp cao Nga trong thời gian vừa qua.
 
Hơn nữa, EU cũng chẳng thể tiếp tục ra tay với Nga khi mà bản thân nội bộ của liên minh này mâu thuẫn gay gắt với nhau về chính sách trừng phạt Nga. Rất nhiều thành viên của EU phản đối việc trừng phạt một đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế và thương mại như Nga bởi hơn ai hết họ đã thấm “đòn gậy ông đập lưng ông” từ hành động này.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc