Nga, EU “sứt đầu mẻ trán” vì Ukraine

07:05, 01/10/2014
|

(VnMedia) - Một trong những hệ lụy lớn nhất gây ra từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine chính là việc nó đã đẩy mối quan hệ Đông-Tây vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ đất nước Ukraine rơi vào tình trạng khốn đốn mà ngay cả Nga và Liên minh Châu Âu (EU) cũng “sứt đầu mẻ trán” vì cuộc chiến ở quốc gia Đông Âu.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (đứng giữa) cùng hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU


Nga, EU: Mỗi bên một chiến tuyến

 
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine hiện nay xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
 
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Mâu thuẫn này được cho là đã âm ỉ từ lâu và được dịp bùng phát sau sự kiện ông Yanukovych quyết gác lại thỏa thuận hợp tác với EU để ưu tiên mối quan hệ với một nước Nga vốn có nhiều mối liên kết sâu đậm về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cả huyết thống với Ukraine.
 
Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng chính là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đua tranh này được cho là diễn ra ngấm ngầm từ rất lâu.
 
Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
 
Sau khi lực lượng Maidan thân phương Tây nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych thì cuộc chiến ở miền đông Ukraine chính thức được châm ngòi và cuộc đối đầu Đông-Tây cũng chính thức khởi phát.
 
Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ukraine. Trong khi đó, Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp pháp của một chính quyền được dựng lên sau một cuộc đảo chính, đặc biệt là khi phe đối lập phá bỏ thỏa thuận vừa ký kết chưa đầy một ngày với cựu Tổng thống Yanukovych để xông vào chiếm thủ đô và lên nắm quyền.
 
Các khu vực miền đông có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Nga kiên quyết không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền ở Kiev cũng như không ủng hộ chính sách ngả về phương Tây. Kết quả là người dân ở nơi đây đã đổ ra đường biểu tình rầm rộ.
 
Đáp trả lại các cuộc biểu tình trên, Kiev phát động chiến dịch quân sự mà họ gọi là “chống khủng bố” nhằm vào những người biểu tình.
 
Trong khi Mỹ và phương Tây thể hiện sự ủng hộ, cả ngầm ngầm và công khai, đối với chiến dịch quân sự đàn áp người biểu tình ở miền đông Ukraine của chính quyền Kiev thì Nga quyết liệt phản đối chiến dịch này.
 
“Sứt đầu, mẻ trán” vì Ukraine
 
Cuộc đối đầu Đông-Tây vì Ukraine được thể hiện rõ nét nhất qua cuộc chiến của các biện pháp trừng phạt giữa Moscow và EU.
 
Để thể hiện sự ủng hộ cho Kiev và cũng dưới sức ép của đồng minh Mỹ, EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ban đầu, EU chỉ dám áp đặt những biện pháp trừng phạt mang tính hình thức đối với Moscow bởi họ thừa hiểu rằng, nếu mạnh tay tung ra các đòn trừng phạt thực sự gây đau đớn cho Nga thì chính bản thân EU cũng chịu đau đớn tương tự. Chính sách trừng phạt của EU cũng đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo của giới chuyên gia, phân tích về hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.
 
Tuy vậy, dưới sức ép dồn dập của Mỹ, EU cuối cùng cũng đã tung ra đòn trừng phạt thực sự hà khắc nhằm vào nền kinh tế Nga. Sự lấn tới của phương Tây đã buộc Nga phải có đòn trả đũa. Và Moscow đã đáp trả bằng một lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản từ những nước đang trừng phạt Nga.
 
Nếu như Mỹ không bị ảnh hưởng gì mấy từ cuộc chiến các biện pháp trừng phạt với Nga thì với EU mọi thứ lại hoàn toàn khác. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Nga không có mấy sự gắn kết. Trong khi đó, ngược lại, quan hệ Nga-EU lại gắn bó mật thiết với nhau, phụ thuộc rất nhiều vào nhau. Vì thế, cuộc chiến trừng phạt đã khiến cả Nga và EU đều “ngấm đòn đau”, đặc biệt là EU.
 
Đức là cường quốc dẫn đầu trong EU và cũng là nước có mối quan hệ gắn bó hàng đầu với Nga. Chính vì vậy, Đức là một trong những nước phải gánh hậu quả nặng nề nhất. Các cuộc điều tra cho thấy, khu vực sản xuất của Đức đã sụt giảm thê thảm, xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 6 năm 2013 vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những con số đánh giá ngành sản xuất của Đức đã sụt giảm mạnh vào tháng 9 vừa rồi, xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua.
 
Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.
 
Ngoài Đức, Anh và Pháp cùng hàng loạt nước EU khác cũng đều “nếm mùi cay đắng” từ chính cuộc chiến mà họ khơi mào ra.
 
Không chỉ bị hứng hậu quả “gậy ông đập lưng ông” từ các biện pháp trừng phạt Nga, EU còn đang lao đao vì đòn trả đũa của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ các nước đang áp đặt biện pháp trừng phạt lên Nga đang khiến những người nông dân Châu Âu chao đảo. Quốc hội Châu Âu trong một bản thông cáo báo chí được phát đi hồi tuần trước đã thừa nhận, lệnh cấm vận thực phẩm và nông sản của Nga đã ảnh hưởng tới thu nhập của khoảng 9,5 triệu người dân Châu Âu.
 
Hàng nghìn người nông dân Châu Âu đang kêu cứu. Fabio Lambertini - một người nông dân ở vùng quê thanh bình ở Italia cho biết: “Đang có một sự sợ hãi rất lớn. Chúng tôi đang chứng kiến giá nông sản sụt giảm mạnh”. Những người nông dân ở Ba Lan thì cho biết, họ đang cầu nguyện để “cuộc chiến” này qua đi nếu không “chúng tôi sẽ phải đối mặt với thảm họa thực sự”.
 
Trên khắp lục địa Châu Âu, người ta chưa thể tính toán được con số thiệt hại mà những người nông dân phải gánh chịu kể từ khi Nga tung ra đòn trả đũa hôm 7/8. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Nga-EU sẽ khiến người nông dân Châu Âu phải trả giá đắt. Xuất khẩu nông sản từ EU sang Nga là khoảng 11 tỉ euro mỗi năm. Những người nông dân Italia như Lambertini bán khoảng 706 triệu euro các mặt hàng thực phẩm và nước uống sang cho Nga hồi năm ngoái, đứng sau các thành viên khác của EU là Ba Lan, Đức, Pháp và Hà Lan.
 
Việc mất thị trường lớn như Nga đang gây ra một ảnh hưởng dây chuyền khắp Châu Âu. Điều đáng sợ hơn với những người nông dân Châu Âu là khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ thì họ có thể cũng đã mất cơ hội ở thị trường Nga bởi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay các nước ở Châu Mỹ Latin đã nhanh chóng lấp chỗ trống vào thị trường tiềm năng này.
 
Liên minh Châu Âu được cho là có thể mất hàng trăm tỉ euro và hàng ngàn việc làm trong “cuộc chiến thương mại” với Nga.
 
Đương nhiên, Nga cũng chẳng thoát khỏi những ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mạnh tay mà EU tung ra nhằm vào nước này. Thủ tướng Dmitry Medvedev mới đây đã lên tiếng thừa nhận rằng, những đòn trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu gây tổn thất đến nền kinh tế Nga. Tình hình kinh tế Nga đang gặp “khó khăn” bởi sự trì trệ của nền kinh tế xảy ra cùng lúc với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây tung ra nhằm vào một số lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Nga.
 
Theo các số liệu chính thức, nền kinh tế Nga được dự báo tăng trưởng ở mức 0,5% trong năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu thậm chí còn dự báo nền kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng trong năm nay và sau đó sẽ thu hẹp ở mức nhỏ vào năm 2015. Ngân hàng này cảnh báo, sự thu hẹp trong nền kinh tế Nga có thể sẽ diễn ra nhanh hơn, lớn hơn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nhiều công ty của Nga khó tiếp cận các thị trường tài chính hơn, điều này gây lo ngại thực sự cho giới đầu tư.
 
Chỉ một vài con số sơ bộ trên cũng đủ cho thấy, cả Nga và EU đều đang “ngầm đòn đau” của nhau và cả hai đang tự làm suy yếu lẫn nhau trong khi các nước xung quanh đang trên đà phát triển mạnh mẽ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc