Tổng thống Obama loay hoay mắc kẹt trước Assad

15:01, 28/08/2014
|

(VnMedia) - Vào giờ này của năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama và giới chức của mình vẫn còn ra sức lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng những ngôn từ mạnh nhất có thể như “kẻ sát nhân”, “kẻ giết người”. Vậy mà, giờ này, chính quyền Mỹ đang loay hoay, lúng túng trước khả năng phải bắt tay với người mà họ từng chỉ trích gay gắt và công khai tìm cách lật đổ.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Năm ngoái, đúng vào thời điểm này, Nhà Trắng đang sục sôi chuẩn bị một chiến dịch không kích vào Syria và coi đó như là một biện pháp trừng phạt không thể tránh khỏi nhằm vào Tổng thống Assad. Lý do là Washington cùng các đồng minh phương Tây cáo buộc chính quyền Assad dùng vũ khí hoá học tấn công dân thường. Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Obama đã tìm cách lảng tránh bằng việc để quyền quyết định cuối cùng cho Quốc hội, nói rằng ông sẽ không hành động khi không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội. Cuối cùng, Nga kịp thời đưa ra một đề xuất cứu vãn cho Tổng thống Obama, theo đó Syria sẽ huỷ bỏ toàn bộ kho vũ khí hoá học của mình để đổi lấy việc Mỹ tránh dội bom xuống đất nước của họ.

 

Một năm sau, trong thời điểm hiện tại, cuộc tranh luận về một chiến dịch không kích vào lãnh thổ Ukraine lại đang dấy lên. Tổng thống Obama lại một lần nữa phải đau đầu cân nhắc các lựa chọn ở Syria . Tuy nhiên, có một khác biệt rất lớn trong hai lần cân nhắc về chiến dịch không kích ở Syria . Đó là, lần này, mục tiêu sẽ không phải là Tổng thống Assad mà là nhóm Quốc gia Hồi giáo (IS) – một nhóm chiến binh đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho nước Mỹ và phương Tây.

 

Chính quyền Obama không chính thức công nhận nhưng giới chức cấp cao của Mỹ đã nói với các phóng viên rằng, ông chủ Nhà Trắng đã thông qua việc cho phép thực hiện các chuyến bay do thám trên bầu trời Syria . Đây có thể là một bước tiến để Mỹ hướng tới việc thực hiện một chiến dịch không kích ở Syria bởi những máy bay do thám của Mỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, xác định vị trí các mục tiêu.

 

Mỹ hiện tại đang thực hiện hàng chục cuộc không kích nhằm vào nhóm IS ở Iraq trong những tuần gần đây và áp lực đang dồn lên Tổng thống Obama để ông này ra quyết định mở rộng hành động sang nước láng giêngf Syria . Nhiều quan chức và các nhà phân tích tin rằng, nếu Mỹ thực sự muốn tiêu diệt nhóm IS thì Mỹ không thể chỉ hạn chế chiến dịch không kích của nước này ở trong biên giới Iraq mà phải mở rộng sang lãnh thổ của Syria – nơi nhóm IS đang đặt đại bản doanh.

 

Những lời yêu cầu, thúc giục về việc mở rộng chiến dịch tấn công nhóm IS đang ngày càng trở nên mạnh mẽ từ hồi tuần trước sau khi nhóm IS tung ra một đoạn băng hình gây ớn lạnh ghi lại hình ảnh chặt đầu một phóng viên Mỹ có tên là James Foley. IS còn trắng trợn tuyên bố, đó là thông điệp mà họ muốn gửi đến nước Mỹ.

 

Tổng thống Obama cam kết trong một bài phát biểu ở Bắc Carolina hồi đầu tuần rằng: “Công lý sẽ được thực thi” và rằng Mỹ “sẽ làm tất cả những gì cần thiết” để truy đuổi, tiêu diệt những kẻ làm hại nước Mỹ cũng như sẽ “hành động trực tiếp khi cần” để bảo vệ người dân Mỹ ở trong nước và nước ngoài.

 

Một chiến dịch can thiệp vào Syria đồng nghĩa với việc Tổng thống Obama đang bị đẩy vào tình thế lúng túng, khó xử. Nếu quân đội Mỹ phát động một chiến dịch quân sự mạnh mẽ nhằm diệt trừ nhóm IS ở Syria, ông Obama rõ ràng đang giúp Tổng thống Assad – người mà chính quyền của ông gán là “kẻ sát nhân”, “kẻ giết người” và tìm mọi cách để lật đổ. Ông Obama còn cảm thấy bối rối hơn nữa, mắc kẹt hơn nữa trước khả năng ông này phải bắt tay với Tổng thống Syria để có thể thực hiện một chiến dịch hiệu quả nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm chiến binh IS.

 

Một quan chức hàng đầu của Anh từng tuyên bố, nếu muốn đánh bại nhóm IS, Mỹ và Anh cần phải phối hợp tác chiến với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Cho đến thời điểm này, giới chức Mỹ vẫn kiên quyết bác bỏ khả năng bắt tay với người mà họ từng ra sức lên án, chỉ trích và cả tìm mọi cách để lật đổ. Tuy nhiên, người ta đang tự hỏi, Mỹ và phương Tây sẽ làm thế nào để tấn công được nhóm IS một cách hiệu quả bên trong lãnh thổ Syria một không cần đến sự phối hợp từ chính quyền Assad.

 

Hơn nữa, các quan chức của Tổng thống Assad từng lạnh lùng cảnh báo sẽ không cho phép bất kỳ nước nào tự ý thực hiện một chiến dịch quân sự ở trên lãnh thổ của họ mà không nhận được sự cho phép từ chính quyền Syria . Damascus tuyên bố sẽ coi những cuộc không kích vào Syria mà không có sự cho phép của chính quyền Assad là hành động xâm lược, là hành động thù địch và họ sẽ đáp trả.

 

Sau những tuyên bố cứng rắn, chính quyền của Tổng thống Assad cũng mời gọi Mỹ hợp tác với họ để chống IS. Damascus tuyên bố, nếu chỉ thực hiện các cuộc không kích không thì không đủ để có thể tiêu diệt một nhóm lớn mạnh và tàn bạo như nhóm IS. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Assad tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống lại nhóm IS. “Chính quyền Assad muốn tận dụng cơ hội này để xây dựng lại các mối quan hệ và tạo dựng tính hợp pháp của mìn trước phương Tây sau khi phương Tây đã không thừa nhận họ cách đây 3 năm”, ông Paul Salem – Phó Chủ tịch Viện Trung Đông, nhận định.

 

Tuy nhiên, mục tiêu trên của ông Assad khó mà đạt được khi chính quyền Mỹ tuyên bố nhất định không hợp tác với họ.Thậm chí Mỹ tuyên bố nếu có định thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Syria họ cũng không báo thông cần trước cho chính quyền Assad.

 

Mặc dù vậy, một khi Mỹ quyết định tấn công nhóm IS ở Syria thì rõ ràng, Tổng thống Assad chắc chắn ít nhiều đều được hưởng lợi và vì thế vị thế của ông này tiếp tục được củng cố. Đây là điều Washington hoàn toàn không muốn.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc