Quay lưng với Nga, Ukraine đang trả giá đắt?

08:00, 05/04/2014
|

(VnMedia) - Những ngày này, Ukraine đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong nước châm ngòi cho một cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. 
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Chính phủ lâm thời mới ở Kiev phũ phàng tìm cách quay lưng lại với nước láng giềng Nga từng giang tay cứu giúp để Ukraine thoát khỏi sự sụp đổ về kinh tế. Rời bỏ Nga, Ukraine tìm đến với Mỹ và phương Tây với hy vọng tràn trề rằng những nước giàu có này sẽ là điểm tựa vững chắc giúp họ nhanh chóng đi lên.
 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, những điều mà Kiev chờ đợi, mong mỏi từ các cường quốc phương Tây dường như vẫn còn ở đâu đó xa vời. Trong khi đó, Ukraine bắt đầu phải “ngấm” những cái giá quá đắt mà họ phải trả khi chối bỏ mối quan hệ truyền thống sâu sắc với nước láng giềng Nga.
 
Những cái giá phải trả
 
Giám đốc điều hành IMF – bà Christine Lagarde hôm 2/4 mới đây đã thẳng thắn cho biết, nền kinh tế của quốc gia Đông Âu hồi năm ngoái đã vấp phải một bức tường và đang hướng tới thảm họa thì may mắn được Nga giang tay cứu giúp. Gói cứu trợ tài chính của Nga đã giúp Ukraine tránh được thảm họa sụp đổ. "Không có sự giúp đỡ mà họ nhận được từ nguồn cứu trợ sống còn do Nga đưa ra cách đây vài tháng, họ đã chẳng đi được đến đâu", bà Lagarde không ngần ngại cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình US PBS.
 
Nga đã có một quyết định vô cùng quan trọng khi đầu tư một khoản tiền lớn lên tới 15 tỉ USD vào trái phiếu của Ukraine hồi cuối năm ngoái với khoản giải ngân đầu tiên là 3 tỉ USD hồi tháng 12 vừa rồi. Moscow cũng đã nhất trí giảm mạnh giá khí đốt cho Kiev trong một nỗ lực nhằm giúp nước láng giềng Đông Âu khôi phục lại nền kinh tế yếu ớt.
 
Tuy nhiên, sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra, phe đối lập thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych. Ngay sau khi lên cầm quyền, chính phủ lâm thời mới ở Kiev đã nhanh chóng thể hiện lập trường “đánh đổi” mối quan hệ với Nga để chạy theo mối quan hệ thân thiết, gắn bó hơn với Liên minh Châu Âu (EU).
 
Cái giá lớn đầu tiên mà Ukraine phải trả chính là việc mất bán đảo xinh đẹp Crimea và mất đi niềm tin và sự gắn bó của những người gốc Nga đang sống rất đông ở Ukraine.
 
Theo tính toán của một số nhà kinh tế, mất Crimea, GDP của Ukraine sẽ giảm khoảng 5% trong năm nay. Crimea còn là một bán đảo xinh đẹp với tiềm năng phát triển du lịch đầy triển vọng. Điều đáng nói hơn, Crimea từng là nơi mà Kiev hy vọng có thể dựa vào để giảm sự lệ thuộc vào Nga bởi bán đảo này được cho là có tiềm năng chứa đựng trữ lượng dầu khí lớn. Có vẻ như mất đi Crimea, Ukraine đã mất đi nguồn lợi kinh tế quan trọng mà nước này rất cần trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, chao đảo và trên bờ vực của sự đổ vỡ như hiện nay.
    .
Trong khi Nga đang hào phóng chìa tay giúp đỡ Ukraine khôi phục nền kinh tế với thỏa thuận khoản vay cứu trợ trị giá lên tới 15 tỉ USD và một mức giảm giá khí đốt rất có ý nghĩa thì hành động quay lưng phũ phàng của chính phủ lâm thời mới ở Kiev đương nhiên sẽ khiến họ mất trắng những lợi ích béo bở nói trên.
 
Hồi đầu tuần này, Nga đã hủy bỏ cam kết cắt giảm giá khí đốt mà nước này đưa ra hồi tháng 12 cho Ukraine, tăng giá khí đốt lên 385.50 USD/1.000 mét khối khí đốt. Nga cũng phong tỏa khoản vay cứu trợ trị giá 15 tỉ USD cho Kiev theo thỏa thuận được ký giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống UKraine Viktor Yanukovych.
 
Đồng thời, Thủ tướng Medvedev cũng yêu cầu Kiev sớm trả khoản nợ khí đốt 1,7 tỉ USD nếu không sẽ phải gánh thêm hậu quả trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khí đốt.
 
Moscow cũng không ngại ngần tuyên bố để Ukraine tự tìm kiếm những nguồn tài chính trả nợ cho họ và trả cho những hóa đơn thanh toán khí đốt sắp tới bởi dù sao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước “không còn có thể tiếp tục”.
 
Cái giá mà Ukraine phải trả chưa dừng lại ở đó. Vì Crimea giờ đây đã thuộc vào Nga nên đương nhiên Moscow sẽ phải hủy bỏ thỏa thuận với Ukraine về việc thuê căn cứ cho Hạm đội Biển Đen. Điều này đồng nghĩa với việc Nga rút lại cam kết cắt giảm giá khí đốt cho Ukraine.
 
Trước đó, Ukraine đã nhận được khoản cắt giảm giá khí đốt lên tới 100 USD/1.000 mét khối từ Nga theo thỏa thuận được ký kết năm 2010 để đổi lấy việc Kiev kéo dài thời gian cho Nga thuê lại căn cứ cho Hạm đội Biển Đen. Sau khi thỏa thuận này bị hủy bỏ, giá khí đốt cho Ukraine bắt đầu từ tháng 4 sẽ tăng thêm 100 USD, lên tới 485,50 USD/1.000 mét khối khí đốt. Như vậy, giá khí đốt mà Ukraine phải trả cho Nga đã tăng lên 80%.
 
Vai trò trung chuyển khí đốt quan trọng của Ukraine đối với Nga và Châu Âu cũng bắt đầu giảm mạnh khi Nga bắt đầu né các đường ống khi đốt qua Ukraine. Trong suốt hai thập niên, Ukraina là nơi mà 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu bắt buộc phải đi qua. Tuy nhiên, gần đây, Nga bắt đầu tìm cách thiết lập các đường ống dẫn khí đốt đi vòng qua Ukraine.
 
Có thể nói, Ukraine đang đánh mất rất nhiều, từ vai trò là một điểm trung chuyển khí đốt quan trọng giữa Nga và châu Âu đến vị trí là một đối tác được Nga ưu ái. Hiện tại, Ukraine đang trở thành một quốc gia bất ổn, hỗn loạn, với nền kinh tế ngày một suy yếu và đang phải chịu mức giá khí đốt cao nhất châu Âu.
 
Nhìn rộng hơn và xa hơn, muốn khôi phục nền kinh tế, phát triển đất nước, Ukraine không thể nói là không cần đến một thị trường rộng lớn và tiềm năng ở ngay sát bên cạnh là Nga. Chưa kể, Ukraine lại đang phụ thuộc nặng nề (hơn 50%) vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
 
Xuất khấu của Ukraine sang Nga chiếm gần 1/4 tổng giao dịch thương mại ra bên ngoài và đóng góp khoảng 8% GDP. Một mối quan hệ hợp tác xấu giữa hai nước đương nhiên là gây bất lợn cho Ukraine trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy sụp nặng nề. Nhiều công ty của Ukraine sẽ phải “trầy da chóc vảy” nếu phải đối mặt với bất kỳ lệnh cấm thương mại nào của Nga. Đây là nhận định chung của nhiều nhà phân tích.

Để nhìn rõ hơn cái giá mà Ukraine phải trả khi quay lưng lại với Nga, người ta cần nhìn cả vào cái mà Ukraine nhận được từ phương Tây – nơi họ đang hướng tới. Mỹ hứa viện cho 1 tỉ USD, một con số quá nhỏ trong khoản nợ 25 tỉ USD mà Ukraine phải trả trong năm nay. Tổ chức IMF cam kết cho Kiev vay từ 14 đến 18 tỉ USD với điều kiện nước này phải trải qua những cải cách kinh tế đau đớn. Đây cũng là con số quá khiêm tốn so với số tiền 99,8 tỉ euro mà Ba Lan nhận được từ 2007 đến 2013, và 103,4 tỉ euro hứa hẹn cho Vacsava từ 2014-2020. Điều đáng chú ý là nền kinh tế Châu Âu cũng đang chẳng sáng sủa gì nên người ta cũng chẳng biết là liệu Châu Âu có thể gánh gồng nổi một nền kinh tế đang yếu ớt như của Ukraine.
 
Ngoài ra, chính phủ lâm thời mới ở Kiev cũng chẳng thể trông chờ sớm vào những tổ chức như EU, NATO khi cả hai liên minh này đều khẳng định chưa có kế hoạch kết nạp Ukraine làm thành viên.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc