Ukraine: Mỹ phải cúi đầu trước chất vấn của Nga?

15:01, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, giới chức Mỹ và phương Tây đã “tuôn” ra vô số những lời chỉ trích mạnh mẽ và gay gắt nhằm vào Nga. Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga đưa quân vào Crimea và miêu tả đó là hành động “không thể chấp nhận”, là sự “vi phạm luật pháp quốc tế”, “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Tiếp đó, việc Moscow ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về vấn đề ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga cũng gây ra “một cơn bão” chỉ trích dữ dội cũng với những ngôn từ quyết liệt và gay gắt như trên.

 

Ảnh minh họa

Người dân Crimea vui vẻ, hồ hởi đón chào binh lính Nga.


Điều đáng nói là không ít người nhận thấy rõ “những điều nực cười” quanh chuyện Mỹ và phương Tây chĩa mũi dùi tấn công vào Nga trong vấn đề Ukraine . Giới học giả và các nhà phân tích của Nga cũng như của thế giới đã đưa ra những chất vấn, lập luận sắc bén về vấn đề Ukraine khiến Mỹ và phương Tây không thể trả lời và không biết trả lời như thế nào.

 

Trước hết, nói về vấn đề đưa quân vào Crimea, mặc dù Nga đã nhiều lần khẳng định nước này không hề triển khai binh lính ở bán đảo tự trị nhưng Mỹ và phương Tây vẫn ra sức cáo buộc Nga dàn quân khắp Crimea.

 

Bản thân các phóng viên quốc tế trực tiếp có mặt tại Crimea cũng lên tiếng khẳng định rằng, họ không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho những cáo buộc về việc Nga đưa quân vào “xâm lược” bán đảo tự trị của Crimea.

 

Thế nhưng, Mỹ và phương Tây vẫn khăng khăng bám vào cáo buộc trên để đưa ra hàng loạt lời chỉ trích, lên án gay gắt và sau đó là đến những lời cảnh báo, đe dọa nhằm vào Nga.

 

Không ít lần người ta nghe thấy từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố rằng họ “không thể chấp nhận được” việc một nước đưa quân vào nước khác dựa trên “cái cớ tự tạo ra” hay chỉ là do không ưa bộ máy lãnh đạo của nước đó. Tuy nhiên, đây lại chính là điều mà Mỹ và phương Tây đã làm rất nhiều lần. Người ta có thể kể ra tên hàng loạt những nước có chủ quyền mà Mỹ và phương Tây từng đưa quân vào can thiệp dựa trên một cái cớ giả hay chỉ đơn thuần là lật đổ một chính quyền mà họ không ủng hộ. Gần đây nhất là trường hợp của Iraq Afghanistan . Năm 2003, Mỹ và phương Tây khiến thế giới ngỡ ngàng khi kéo quân rầm rập vào Iraq với cái cớ về mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt của cố Tổng thống Saddam Hussein. Hơn một thập kỷ Mỹ cho quân hoành hành khắp đất nước Iraq , lật đổ chính quyền của Tổng thống Hussein và sau đó để lại một đất nước hoang tàn, đổ nát và bất ổn. Sau này, thế giới càng ngỡ ngàng hơn khi nhiều thông tin được tiết lộ cho thấy, cái cớ về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq thực chất không hề tồn tại.

 

Ở trường hợp của Afghanistan , Mỹ đưa quân vào nước này với mục tiêu tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và xóa sổ tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhưng rốt cuộc Mỹ lại tìm cách lật đổ chính quyền mà họ không ưa thích ở đây để dựng lên một chính quyền mới. Sự can thiệp quân sự của Mỹ và Afghanistan cũng giống như ở Iraq chẳng mang lại điều gì tốt đẹp hơn ngoài để lại các nước này một mớ bòng bong, hỗn loạn với bất ổn và bạo lực chưa hề chấm dứt.

 

Mỹ thẳng thừng cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine . Nhưng chính Mỹ lại liên tiếp phớt lờ luật pháp quốc tế để phát động các chiến dịch can thiệp vũ trang vào những nước có chủ quyền, tiêu biểu ở đây là trường hợp Libya , Somali , Yemen hay Pakistan .

 

Nhiều năm qua, Mỹ với sự ủng hộ và tham gia mạnh mẽ của phương Tây đã đưa quân đi khắp nơi, can thiệp vào không biết bao nhiêu nước. Ấy vậy mà giờ đây, Mỹ cùng các đồng minh “sôi sục lên” với cái mà họ gọi là “hành động xâm lược” của Nga ở Ukraine dù Moscow đến nay vẫn khẳng định chưa hề triển khai quân ở Crimea ngoài sự hiện diện quân sự hợp pháp đã tồn tại mấy chục năm nay của Nga ở bán đảo tự trị này.

 

Ngoài ra, phương Tây cũng đang “nhảy dựng” lên trước việc Moscow ủng hộ Crimea tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Trong khi chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp, Mỹ và các nước phương Tây đã đe dọa sẽ trừng phạt Nga.

 

Tuy nhiên, một lần nữa, công luận lại hoài nghi về động cơ và những hành động của Mỹ và phương Tây khi “tấn công” Nga trong vấn đề Crimea bởi nhìn lại quá khứ, phương Tây đã không ít lần ủng hộ tích cực hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc trưng cầu dân ý tương tự.

 

Mới đây nhất là vấn đề Kosovo. Washington đã nhanh chóng ủng hộ khu vực Kosovo đòi độc lập, tách khỏi Serbia, sớm hơn hẳn 2 năm trước khi Liên Hợp Quốc chính thức tuyên bố việc này là hợp pháp vào năm 2008. Lực lượng của NATO đã can thiệp vào Nam Tư cũ năm 1999 bằng cách đưa quân vào đây và thực hiện một chiến dịch đánh bom ồ ạt vào các mục tiêu ở Serbia và ở Kosovo. Hơn 500 dân thường đã bị giết hại trong cuộc tấn công này của NATO vào Nam Tư cũ.

 

Tiếp đó, sau một cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu, Nam Sudan đã tách khỏi Bắc Sudan năm 2011 và trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ chính quyền này.

 

Chính phủ Anh từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở lãnh thổ bên ngoài Falklands năm 2013 để xem xem liệu những người dân ở hòn đảo này có muốn tiếp tục là một thuộc địa của Anh hay không. Cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra bất chấp sự phản đối của Argentina .

 

Chỉ một vài trường hợp diễn ra ở trên đã phần nào phơi bày rõ nét cái mà Nga và nhiều nhà học giải miêu tả là tính “hai mặt” và “đạo đức giả” của Mỹ và phương Tây. Những nước này rõ ràng đã áp dụng một tiêu chuẩn kép trong cùng một vấn đề và đây mới chính là điều không thể chấp nhận trên trường quốc tế.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc