Ác mộng nào kinh hoàng nhất với Châu Á năm 2014?

18:49, 29/01/2014
|

(VnMedia) - Bước sang năm 2014, khu vực Châu Á được cho là đang đứng trên bờ vực của một trong những ác mộng khủng khiếp nhất, đó là một cuộc chiến tranh Trung-Nhật. Ác mộng này sẽ xảy ra nếu hai cường quốc hàng đầu Châu Á không kiềm chế, ngồi lại đàm phán với nhau mà tiếp tục làm găng, lấn tới trong cuộc đối đầu “tóe lửa” như thời gian vừa qua. 
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Trung-Nhật: Cuộc đối đầu nóng bỏng nhất trong nhiều thập kỷ

 
Quan hệ giữa hai cường quốc Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã không được “thuận buồm xuôi gió”. Tuy nhiên, chưa có thời điểm nào trong vài thập kỷ trở lại đây, quan hệ Trung-Nhật lại rơi vào cuộc đối đầu gay gắt, quyết liệt và dai dẳng như trong thời gian hơn một năm trở lại đây.
 
Được châm ngòi từ cuộc tranh chấp đã có từ bao đời nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, căng thẳng Trung-Nhật đang leo thang nguy hiểm đến mức có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
 
Khi Trung Quốc bắt đầu mạnh lên cũng là lúc khu vực Châu Á bắt đầu nóng lên bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
 
Cùng với thế và lực gia tăng, Trung Quốc đang có những hành động, bước đi và chính sách thể hiện sự quyết liệt và có phần hung hăng trong cuộc tranh giành chủ quyền ở hai vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên nói trên.
 
Xuất phát từ việc Tokyo mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hồi tháng 9 năm 2012, Trung Quốc được cho là đã dựa vào “cái cớ” đó để thực hiện chiến dịch thay đổi thế nguyên trạng ở đây. Mặc dù Bắc Kinh đang tranh giành chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư nhưng quần đảo này hiện đang nằm trong sự quản lý, giám sát của Tokyo.
 
Sau sự kiện Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người ta chứng kiến cuộc đối đầu Trung-Nhật căng thẳng lên từng ngày và đặc biệt leo thang nghiêm trọng trong năm 2013. Thực tế này được thể hiện rõ nhất qua việc, chỉ trong vài tuần đầu của tháng 12 năm 2012 và tháng 1 đầu năm 2013, chiến đấu cơ Nhật Bản liên tục có những cuộc chạm mặt nguy hiểm với máy bay Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.
 
Cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á giờ đã leo thang từ dưới biển lên cả trên không. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền hai nước thường xuyên gầm ghè nhau trên biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục đối đầu nguy hiểm. Đây rõ ràng là một bước leo thang đáng lo ngại, khiến nhiều chuyên gia nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột quân sự ở vùng biển Hoa Đông.
 
Trong một động thái thể hiện sự quyết liệt và thách thức hơn nữa, Trung Quốc hồi cuối tháng 11 vừa rồi đã bất ngờ tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, trong đó nước này đòi hỏi máy bay nước ngoài bay qua khu vực phải được sự cho phép của giới chức Bắc Kinh. Bước đi này đã nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội của Nhật Bản và cả các nước có liên quan như Mỹ, Hàn Quốc.
 
Để đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản trong năm qua liên tục có những động thái, chính sách nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của mình như tăng chi tiêu quốc phòng, thành lập lực lượng mới và mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự tối tân. Cùng với đó, chính quyền của Thủ tướng Abe luôn thể hiện một lập trường cực kỳ cứng rắn, quyết không khoan nhượng trước nước láng giềng Trung Quốc.
 
Chưa hết, gần đây, Thủ tướng Abe còn thực hiện một chuyến thăm đến đền thờ chiến tranh ở thủ đô Tokyo, khiến Bắc Kinh sôi lên sùng sục vì tức giận. Bắc Kinh tố cáo chính quyền của ông Abe đã “sát muối vào vết thương” của họ khi đến thăm nơi thờ những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh có liên quan trực tiếp đến thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc.
 
Với những diễn biến liên tiếp như trên, năm qua chứng kiến mối quan hệ Trung-Nhật lao dốc không phanh và hiện giờ hai nước đã lao đến sát bờ vực của một cuộc chiến tranh thảm khốc.
 
Ác mộng kinh hoàng nhất đối với khu vực Châu Á
 
Giới phân tích cho rằng, mọi người không nên đánh giá thấp khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh mới ở khu vực Đông Á và tự huyễn hoặc rằng Mỹ sẽ không can dự vào cuộc chiến kinh hoàng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này.
 
Trên thực tế, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn có một cuộc chiến tranh mà họ đều hiểu rõ về hậu quả khôn lường mà mỗi nước sẽ phải hứng chịu cũng như cả khu vực lẫn thế giới phải đối mặt. Lãnh đạo hai nước đều muốn trở lại tình trạng nguyên trạng như trước và để cuộc tranh chấp này lại cho các thế hệ tương lai giải quyết, giống như cách mà ông Đặng Tiểu Bình đã từng thực hiện trước đây.
 
Tuy nhiên, gần đây, mọi việc đều diễn biến không như mong muốn và cũng không như sự tính toán của cả Trung Quốc và Nhật Bản. Tình hình có vẻ đang vượt qua sự kiểm soát của họ và mỗi bên đều cảm thấy cần phải đáp trả. Có hai lý do để cuộc đối đầu Trung-Nhật leo lên mức chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ chiến tranh như hiện nay. Lý do thứ nhất là mỗi nước đều được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn, tự tin hơn và muốn thể hiện họ là một nhà lãnh đạo thực thụ. Lý do thứ hai khiến tình hình ở biển Hoa Đông tiếp tục bị đẩy cao căng thẳng là Nhật Bản và Mỹ tin rằng nếu xung đột nổ ra, Nhật Bản sẽ phá hủy lực lượng hải quân hoặc không quân mà Trung Quốc phái tới khu vực trong khi Bắc Kinh nghĩ rằng, không quân của họ sẽ giành chiến thắng trước Nhật Bản. Khi mà cả hai đều cho rằng mình có thể chiến thắng trong một cuộc xung đột thì họ sẽ trở nên ít quyết tâm hơn tới việc phải tránh cuộc xung đột đó.
 
Nhưng có một thực tế mà Trung Quốc, Nhật Bản cần phải hiểu rõ là tính chất của một cuộc chiến tranh mới giữa hai nước này sẽ phức tạp hơn rất nhiều cuộc chiến tranh một-một mà họ từng có cách đây vài thập kỷ. Hơn nữa, sự can dự của Mỹ sẽ khiến cho một cuộc chiến tranh Trung-Nhật trở thành một cuộc thế chiến thứ II. Dù Washington tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Châu Á nhưng việc siêu cường số 1 thế giới bị lôi vào một cuộc chiến tranh Trung-Nhật là điều mà nhiều nhà phân tích dự đoán. Đúng như lời Washington nói, họ chẳng có lợi ích gì trong vấn đề nước nào được cắm cờ ở những đảo lớn, nhỏ trên vùng biển Châu Á nhưng nước này lại có lợi ích cực lớn trong việc duy trì hệ thống mà họ đã thống trị kể từ năm 1945 đến giờ.

Việc để cho bất kỳ quốc gia ven biển nào thay đổi luật lệ như giảm hoạt động tự do hàng hải hay bay trên các vùng trời hoặc tranh giành lãnh thổ, lãnh hải từ các nước khác, sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Nếu Bắc Kinh có thể sửa đổi hệ thống mà không bị hề hấn gì thì tại sao lại không có những hành động tương tự tiếp diễn. Và nếu Trung Quốc làm được thì tại sao các cường quốc khác trong khu vực hay trên thế giới lại không thể làm thế? Vì thế, đối với Mỹ, việc họ can dự vào cuộc đối đầu Trung-Nhật không phải vì một vị trí cắm cờ mà về vấn đề nguyên tắc. 

Trở về nguyên trạng như trước đây sẽ là cách tốt nhất cho tình hình ở biển Hoa Đông lúc này. Đây là quan điểm được giới chuyên gia và các nhà phân tích đồng tình chia sẻ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc