Vì sao Obama lại muốn Assad tiếp tục cầm quyền?

09:59, 19/09/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Barack Obama hiện giờ không còn kêu gọi người đồng cấp Syria Bashar al-Assad từ chức. Nhiều người tin rằng, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn muốn ông Assad tiếp tục tại vị. Vậy vì sao Mỹ lại có sự chuyển hướng bất ngờ đến như vậy? Đằng sau sự “thay đổi 180 độ này” là gì?

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad


Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng hơn 30 tháng qua, Tổng thống Obama liên tục nhấn mạnh, ông Assad phải ra đi. Nhưng hiện tại, ngay thời điểm này, Mỹ có thể muốn, hoặc thậm chí là cần Tổng thống Assad tiếp tục cầm quyền trong một thời gian. Lý do Mỹ muốn ông Assad ở lại là vì ông này có thể giám sát quá trình giải giáp kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria .

 

"Vì quyền lợi của nhân dân Syria , thời điểm để Tổng thống Assad từ chức đã đến”, ông Obama đã phát biểu như vậy hôm 18/8/2011. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ công khai kêu gọi người đồng cấp Syria ra đi và lời kêu gọi này tiếp tục được ông Obama nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau đó.

 

Tuy nhiên, kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 vừa rồi, Tổng thống Obama lại dồn mọi sự chú ý vào kho vũ khí hóa học đáng sợ của Syria thay vì tập trung vào mục tiêu thay đổi chính quyền ở đất nước Trung Đông này. Và theo kế hoạch được Mỹ và Nga nhất trí hồi cuối tuần qua, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Assad để xác định, bảo đảm an toàn và phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

 

Nghe thì có vẻ kỳ lạ và khó hiểu nhưng Tổng thống Mỹ hiện tại dường như sẵn sàng chịu đựng sự cầm quyền của ông Assad ở Syria hơn sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 1.400 người chết ở ngoại ô thủ đô Damascus, các quan chức Mỹ cho biết. Điều này được thể hiện rất rõ qua phát biểu của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra hôm 10/9 gần đây. Ông này đã nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên lật đổ một nhà độc tài khác bằng vũ lực”.

 

Tuy nhiên, việc chấp nhận Tổng thống Assad tiếp tục cầm quyền trong thời gian trước mắt sẽ làm dấy lên câu hỏi về mục tiêu lâu dài hơn trong việc buộc ông này từ chức, một số nhà phân tích nhận định.

 

"Có một sự mâu thuẫn tự nhiên giữa một chính sách muốn ông Assad ở lại và phá hủy kho vũ khí hóa học với một chính sách khác là muốn ông này biến mất”, ông Andrew Tabler, một nhà phân tích của Mỹ, cho biết. Theo ông này, để xóa bỏ sự mâu thuẫn trên, chính sách của Mỹ đối với Assad nên được miêu tả tốt nhất trong câu nói sau: “Chúng tôi muốn ông ấy ra đi nhưng không phải ngay lúc này”.

 

Viễn cảnh về sự hỗn loạn

 

Chừng nào Tổng thống Assad còn sở hữu kho vũ khí hóa học thì sự ra đi của ông ta đều có thể gây ra sự hỗn loạn ở đất nước Syria và điều đó sẽ khiến cho nỗ lực bảo đảm an toàn cũng như phá hủy kho vũ khí hóa học trở nên khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

 

Vì lý do này, nhà phân tích Tabler tin rằng, Tổng thống Assad sẽ "di chuyển một cách từ từ và tiến hành mọi việc ở mức tối thiểu. Ông ấy sẽ tìm cách kéo dài tiến trình này. Ông ấy muốn hành động đủ nhanh để tránh một chiến dịch can thiệp nhưng sẽ không nhanh hơn mức này".

 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi đầu tuần này đã phát biểu rằng, việc xóa bỏ kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria sẽ khiến cho Nhà lãnh đạo Assad suy yếu hơn và vì vậy dễ tổn thương hơn.

 

Syria được tin là đang sở hữu kho vũ khí hóa học lên tới khoảng 1.000 tấn và số vũ khí này được cất trữ rải rác ở hàng chục địa điểm trên khắp đất nước. Theo kế hoạch do Nga và Mỹ vạch ra, chính quyền Syria sẽ phải kê khai toàn bộ kho vũ khí của nước này và trình lên Liên Hợp Quốc vào ngày mai (20/9). Sau đó, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ lên đường đến Syria vào khoảng tháng 11 và toàn bộ kho vũ khí hóa học của chính quyền Assad sẽ bị phá hủy vào giữa năm sau.

 

Hủy bỏ kho vũ khí hóa học là một tiến trình rất khó khăn và thường phải mất nhiều năm. Libya kê khai kho vũ khí hóa học của họ từ cách đây một thập kỷ và giờ những vũ khí này vẫn đang trong quá trình bị phá hủy.

 

Lịch trình được đề xuất ở Syria thực sự là “quá lạc quan”. “Đó là một thời gian biểu không thực tế. Nó mang tính mong muốn, nghĩa là thể hiện việc bạn muốn điều đó xảy ra”, ông David Kay – một cựu thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc, đã nhận xét như vậy.

 

Trong lúc này, bên trong đất nước Syria , kế hoạch của Nga và Mỹ được đón nhận với những phản ứng khác nhau. Chính quyền của Tổng thống Assad coi đó là “một chiến thắng”, giúp họ ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ. Trong khi đó, phe nổi dậy thể hiện một sự phẫn nộ và thất vọng lớn.

 

"Về kẻ giết người Bashar đã ra lệnh tấn công bằng vũ khí hóa học thì như thế nào? Chúng tôi nên tha thứ cho ông ta chăng? Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng trước cộng đồng quốc tế. Chúng tôi chẳng còn bất cứ hy vọng gì”, Tướng Salim Idriss – chỉ huy nổi bật nhất của phe nổi dậy Syria , đã nói như vậy tại một cuộc họp báo ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Phe nổi dậy từng kỳ vọng vào một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào đất nước họ. Lực lượng nổi dậy được cho là đã chuẩn bị sẵn sàng tận dụng cơ hội Mỹ khai hỏa để phát động một cuộc tổng tấn công trên toàn quốc nhằm lật đổ chính quyền Assad. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được sau thời gian tràn đầy hy vọng là sự thất vọng não nề. Vì thế, phe nổi dậy tuyên bố không chấp nhận kế hoạch của Nga, Mỹ.


Vân Linh - (theo NPR)

Ý kiến bạn đọc