Thượng đỉnh Trung-Mỹ có “cứu” được mối quan hệ?

19:16, 06/06/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc họp thượng đỉnh song phương ở Sunnylands, California, vào ngày mai (7/6). Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai và ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái. 
 

 Ảnh minh họa

 Ông Obama tiếp ông Tập Cận Bình khi ông này còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc


Mục đích của cuộc gặp mặt giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình được cho là nhằm để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới đang xấu đi nghiêm trọng vì một loạt mâu thuẫn.
 
Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối năm vừa rồi, ông Tập Cận Bình được cho là đã đặt mục tiêu cải thiện quan hệ với Mỹ. Ông này từng tuyên bố muốn thổi nguồn “năng lượng tích cực” vào mối quan hệ Mỹ-Trung. Để thực hiện mong muốn này, ông Tập Cận Bình đã thực hiện một chuyến thăm đặc biệt đến Mỹ.
 
Vì sao lại nói đó là một chuyến thăm đặc biệt? Việc Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ chỉ sau hai tháng lên cầm quyền và chuyến thăm kéo dài tới tận 2 ngày là điều chưa từng xảy ra trong giới lãnh đạo Trung Quốc trước đây. Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình – cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào chỉ đến thăm Mỹ sau khi đã cầm quyền được 3 năm. Trước đó nữa, người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào – ông Giang Trạch Dân cũng không đến Mỹ cho đến khi đã tại vị được tới 4 năm.
 
Điểm đặc biệt nữa là, tất cả các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc và Mỹ từ trước tới giờ chỉ kéo dài từ 1-2 giờ và thậm chí có khi chỉ là 30 phút bên lề các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định ở thăm Mỹ đến 2 ngày.
 
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua một điều đặc biệt khác là, trong cuộc gặp giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình sắp tới, hai nhà lãnh đạo này đã chọn hình thức gặp gỡ không chính thức ở một khu nghỉ dưỡng thay vì một cuộc gặp long trọng ở Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có lẽ muốn “thoát” ra khỏi những nghi thức, khuôn mẫu gò bó, chật hẹp để tạo một môi trường thoải mái nhất, thư giãn nhất cho những cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn và thân mật. Ông Obama và ông Tập Cận Bình được cho là đang tìm kiếm một mối quan hệ cá nhân thân thiết. Đây là thứ thiếu vắng trong mối quan hệ giữa những người tiền nhiệm của họ trong nhiều thập kỷ qua.
 
Mục đích cao nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung là thông qua việc tạo dựng tình cảm cá nhân để khôi phục lại quan hệ đang xấu đi rất nhiều trong thời gian gần đây giữa hai siêu cường hàng đầu của thế giới. Với mối quan hệ song phương ngày một phức tạp giữa Trung Quốc và Mỹ, liệu ông Obama và ông Tập Cận Bình có thể đạt được mục tiêu này hay không?
 
Nhiều mâu thuẫn khó dàn xếp
 
Mỹ và Trung Quốc ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích chung với nhau, từ việc khôi phục sự ổn định về kinh tế và tài chính toàn cầu đến việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Mỹ còn cần Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân cấp bách ở Triều Tiên và tìm kiếm một giải pháp đột phá cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria.
 
Ngược lại, ở phía bên kia, Trung Quốc cũng muốn tăng cường quan hệ với Mỹ để phục vụ cho sự phát triển của đất nước họ. Ngoài mục đích này, Bắc Kinh còn muốn thắt chặt quan hệ với Washington để làm suy yếu liên minh chống nước này do Mỹ dựng lên ở ngay tại “sân sau” của họ. Qua đó, Trung Quốc cũng muốn phát đi thông điệp với các nước đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải hiện nay với họ rằng đừng nên quá trông chờ vào Mỹ.
 
Tại Sunnylands, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận về một loạt vấn đề, từ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến ở Syria, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính toàn cầu đến quan hệ thương mại, đầu tư song phương Trung-Mỹ. Đây là những vấn đề mà hai nước có thể hợp tác được với nhau.
 
Tuy nhiên, mong muốn xích lại gần nhau của Trung Quốc và Mỹ bị che phủ bởi rất nhiều mâu thuẫn khó giải quyết giữa hai nước. Nổi cộm và mới nhất là “cuộc chiến” về các cáo buộc tấn công mạng vừa bùng lên giữa Bắc Kinh và Washington. Giới lãnh đạo quân sự và dân sự Mỹ gần đây liên tục công khai tố cáo chính phủ và quân đội Trung Quốc thực hiện vô số những cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính của chính phủ, quân đội và doanh nghiệp Mỹ nhằm “đánh cắp” các bí mật về công nghệ vũ khí và quân sự. Không chỉ bác bỏ những cáo buộc này, chính phủ Trung Quốc còn tố ngược lại Mỹ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của họ để tìm hiểu thông tin.
 
Cuộc đối đầu trên nghiêm trọng đến mức giới phân tích tin rằng nó sẽ là chủ đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Obama và Tập Cận Bình. Thậm chí, có nhà phân tích nhận định, vấn đề này sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung vào ngày mai.
 
Ngoài ra, hai cường quốc hàng đầu thế giới từ lâu vốn đã có sẵn mối nghi kỵ về nhau dù nền kinh tế của họ phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Sự nghi kỵ này được đánh giá là đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ nay. Bắc Kinh cho rằng, Washington đang tìm cách bao vây, kiềm chế sự nổi lên của họ sau khi giới lãnh đạo Mỹ tuyên bố thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc còn khó chịu về sự can dự ngày càng sâu của Mỹ vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa nước này với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Động hiện nay.
 
Về phần mình, người Mỹ không cảm thấy yên tâm trước sự nổi lên có phần hung hăng của Trung Quốc gần đây. Washington tin rằng, Bắc Kinh đang muốn chiếm vị trí cường quốc số 1 và đang tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
 
Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ còn mâu thuẫn với nhau vì một loạt vấn đề muôn thuở như việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan, vấn đề Tây Tạng hay các chính sách thương mại, tiền tệ của Trung Quốc....
 
Với quá nhiều mâu thuẫn khó giải quyết như trên, người ta hoài nghi về khả năng mối quan hệ tình cảm cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo có thể giúp khôi phục mối quan hệ Trung-Mỹ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc