"Bận" ngoài khơi, Trung Quốc "lùi" trên đất liền?

13:17, 09/05/2013
|

(VnMedia) - Hôm 5/5, Trung Quốc cuối cùng đã phải chịu rút quân ra khỏi khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19km sau gần một tháng kiên quyết không chịu lùi bước. Động thái có phần nhún nhường này của Bắc Kinh khiến nhiều người không khỏi cảm thấy bất ngờ bởi nước này trong thời gian qua liên tiếp thể hiện một lập trường hiếu chiến đến cùng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

 

 Ảnh minh họa


Sau sóng gió, biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tạm yên trở lại.


Cuộc đối đầu mới nhất giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á – Trung Quốc và Ấn Độ được châm ngòi từ sự kiện một nhóm khoảng 30 binh lính Trung Quốc dưới đã sử dụng trực thăng đã xâm nhập vào khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19km và dựng một loạt trại ở đó. Một ngày sau, Ấn Độ cũng đưa quân đến dựng trại đối diện với phía Trung Quốc, cách nhau khoảng 300m. Diễn biến này đẩy binh lính hai nước Trung-Ấn vào tình thế giáp mặt đầy nguy hiểm, có thể bùng nổ đụng độ bất kỳ lúc nào.

 

Bất chấp việc New Delhi liên tiếp yêu cầu Bắc Kinh rút quân và bất chấp 3 cuộc họp cấp thiếu tướng giữa hai nước được tổ chức nhằm tháo gỡ tình hình căng thẳng, Trung Quốc vẫn cố tình cắm chốt trong lãnh thổ của Ấn Độ suốt gần một tháng trời. Người ta cứ nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng này lâu dài nhằm tìm cách phá vỡ sự nguyên trạng ở đây. Đó chính là cách mà Bắc Kinh đang áp dụng ở nhiều khu vực tranh chấp với các nước láng giềng.

 

Tuy nhiên, sau cuộc họp thứ 4 giữa quan chức quân sự hai nước Trung-Ấn hôm 4/5, Trung Quốc đã bất ngờ hạ trại, rút quân. Một số nhà phân tích tin rằng, sở dĩ Bắc Kinh đưa ra quyết định trên bởi nước này hiểu rất rõ, họ có nhiều điều cần phải bắt tay với Ấn Độ hơn là đụng độ với nhau ở khu vực biên giới. Đúng như một quan chức Trung Quốc mới đây thừa nhận: “Chúng tôi có vấn đề ở khu vực biên giới với Ấn Độ. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng chúng tôi muốn nó được giải quyết. Điều đó có thể mất thời gian nhưng chúng tôi không muốn quan hệ hai nước bị ảnh hưởng”.

 

Lý do đằng sau việc Trung Quốc lùi bước trước Ấn Độ

 

Có hai nguyên nhân chính khiến Trung Quốc buộc phải nhượng bộ trước Ấn Độ. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn hy sinh mối quan hệ kinh tế, thương mại to lớn với Ấn Độ.

 

Trung Quốc và Ấn Độ có mối quan hệ kinh tế, thương mại phát triển chóng mặt, với giá trị trao đổi thương mại từ mức 3 tỉ USD cách đây một thập kỷ nhảy vọt lên xấp xỉ 70 tỉ USD hiện nay. Theo dự đoán, đến năm 2015, giá trị trao đổi thương mại hai chiều Trung-Ấn sẽ leo lên con số 100 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với con số 66,4 tỉ USD đạt được năm 2012.

 

Hiện tại, Trung Quốc đã là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Giá trị thương mại Trung-Ấn có thể còn tăng cao hơn nữa nếu hai nước này phát triển thương mại ở khu vực biên giới. Hơn nữa, với hơn 1/3 dân số thế giới tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước này có thể trở thành “một liên minh thương mại khổng lồ”.

 

Như vậy, nếu quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới thì tổn thất về kinh tế mà hai nước này phải gánh chịu là rất to lớn. Trung Quốc hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra khi mà nền kinh tế nước này được cho là phát triển chưa bền vững.

 

Ngoài lý do kinh tế nói trên, Bắc Kinh còn nhượng bộ New Delhi vì lý do khác liên quan đến quan hệ ngoại giao, chính trị.

 

Trung Quốc từ lâu đã luôn tỏ ý nghi ngại và khó chịu trước mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Ấn Độ với Mỹ. Vì thế, Bắc Kinh lo ngại rằng, nếu họ tiếp tục làm căng với New Delhi vì cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới thì điều đó có thể khiến mối quan hệ Trung-Ấn trở nên xấu đi và đẩy Ấn Độ tiến gần hơn về phía Mỹ.

 

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hiểu rõ tầm quan trọng của Ấn Độ với tư cách là một thị trường ngày càng lớn và là một nhân tố cân bằng, ổn định ở khu vực Châu Á.

 

Không chỉ lo ngại về việc Ấn Độ tiến đến gần hơn với Mỹ, Trung Quốc còn cảm thấy bất an khi nghĩ đến viễn cảnh nước láng giềng to lớn của họ bắt tay hợp tác với Nhật Bản và các nước ASEAN. Hiện tại, một số nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đang có những cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu Trung Quốc không làm hòa với Ấn Độ thì rõ ràng, nước này sẽ phải đối diện với một liên minh ngầm giữa Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN. Điều này cũng đã được thể hiện trong quyết định kéo dài chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Nhật Bản trong thời gian tới.

 

Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đích thân phát đi một thông điệp cứng rắn cho Trung Quốc bằng việc quyết định kéo dài chuyến thăm đến Nhật Bản trong 2 ngày thay vì 1 ngày như kế hoạch ban đầu . Giới chức Ấn Độ thừa nhận, rất hiếm khi Thủ tướng lại ở thăm một nước nào đó quá một ngày nếu không có một cam kết chính thức nào đó với chính phủ của nước chủ nhà.

 

Với hai lý do chính nói trên, Trung Quốc cuối cùng đã phải rút quân ra khỏi khu vực biên giới với Ấn Độ để tránh làm cho mối quan hệ song phương giữa hai nước rơi vào căng thẳng, gây bất lợi cho họ. Ngoài ra, cũng có thể còn một lý do khác, khi đang quá "bận" ở những cuộc gây hấn ngoài khơi, Trung Quốc không muốn "lan man" thêm ở những cuộc đối đầu khác trên đất liền.  


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc