Trung Quốc-Philippine: Đun sôi nước Biển Đông!

06:59, 23/04/2012
|

(VnMedia) - Thông qua cơ quan ngôn luận chính thức, quân đội Trung Quốc hôm 21/4 đã cảnh báo về một cuộc đối đầu vũ trang ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Lời cảnh báo sắc lạnh được đưa ra đúng thời điểm diễn ra cuộc đụng độ tàu thuyền mới nhất giữa Trung Quốc và Philippine khiến người ta lo ngại về khả năng những sóng gió ở Biển Đông này sẽ leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu.

 

Sóng gió Biển Đông

 

Sóng gió lại bắt đầu nổi lên cuồn cuộn ở Biển Đông khi hôm 8/4 vừa rồi, một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough . Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống, trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Khi tàu Philippine chưa kịp hành động thì hai tàu hải giám của Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này ngang nhiên đi vào chắn giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.

 

Vụ việc lùm xùm trên chưa được giải quyết thì chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 17/4, tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc lại bị tố ngăn cản tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippine đang làm việc tại bãi cạn Scarborough.

 

Những cuộc đối đầu mới nhất liên tiếp và cũng là đầu tiên trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippine nói trên ở khu vực Biển Động đã kéo theo một loạt những động thái căng thẳng sau đó của hai nước này.

 

Giới lãnh đạo ở Manila và Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất và gay gắt nhất để chỉ trích lẫn nhau. Trong khi Manila cáo buộc việc tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng lãnh hải gần bãi cạn Scarborough là “hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền Philippine” và khẳng định bãi cạn này là “một phần lãnh thổ không thể tách rời” của Philippine thì phía Bắc Kinh miêu tả hành động của tàu chiến Philippine là “sự quấy rối đối với ngư dân” Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, khu vực quanh bãi cạn Scarborough thuộc lãnh hải của họ.

 

Không dừng lại ở lời nói, cả Philippine và Trung Quốc còn có những động thái rất quyết liệt và cứng rắn trong cuộc đối đầu lần này. Bắc Kinh và Manila đã triệu tập các nhà ngoại giao của nhau đề bày tỏ sự phản đối của họ. Hai bên còn liên tiếp triển khai tàu chiến, tàu tuần tra hiện đại đến khu vực để “thị uy” lẫn nhau. Trong một diễn biến làm leo thang căng thẳng, Philippine và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung với những đối tác hùng mạnh của mình để “phô diễn sức mạnh quân sự”. Trong khi Philippine tập trận quân sự với cường quốc quân sự số 1 thế giới là Mỹ thì Trung Quốc cũng tiến hành tập trận hải quân chung với cường quốc xuất khẩu vũ khí Nga.

 

Nếu so về sức mạnh quân sự, Philippine không thể sánh với Trung Quốc nhưng với sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ, Manila có thêm ý chí và sức mạnh để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Đây là điều mà Manila đã thể hiện trong cuộc đụng độ kéo dài suốt gần 3 tuần qua của họ với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

 

Nhìn vào những diễn biến ngày một leo thang trên, nhiều ngườilo ngại về viễn cảnh căng thẳng trên Biển Đông có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Liệu viễn cảnh đen tối này có thể xảy ra hay không?

 

Tranh chấp Biển Đông sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao

 

Trên thực tế, vụ việc hôm 8/4 và 17/4 không phải là lần đầu tiên xảy ra va chạm giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Đã có rất nhiều những vụ đụng độ căng thẳng như vậy xảy ra trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong những lần va chạm trước đây, lần nào sóng gió cũng nổi lên nhưng sau đó, hai bên đều tìm cách dàn xếp ổn thỏa và Biển Động lại trở về trạng thái “sóng yên biển lặng”.

 

Cũng như mọi cuộc đối đầu trước đây, các nhà phân tích tin rằng, lần va chạm giữa tàu thuyền hai nước Philippine và Trung Quốc mới nhất này cuối cùng rồi cũng sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao bất chấp những ồn ào đáng ngại thời gian qua. Lý do rất đơn giản là cả hai đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là Trung Quốc. Dù không bên nào chịu nhường bên nào nhưng cả Manila và Bắc Kinh đều đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu mới nhất giữa họ.

 

Rõ ràng, Trung Quốc và Philippine không muốn những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa họ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Về phía Manila , nước này thừa hiểu một cuộc xung đột vũ trang với nước láng giềng Trung Quốc khổng lồ sẽ gây tổn thất lớn cho họ. Trong khi đó, Bắc Kinh lại càng có nhiều lý do để không gây ra một cuộc chiến tranh với Philippine.

 

Trung Quốc đang trên con đường nỗ lực biến mình thành một cường quốc thế giới. Nước này thực hiện một chính sách duy trì mối quan hệ hòa bình với các cường quốc, tăng cường quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng để thiết lập một môi trường thuận lợi cho họ phát triển. Nếu để mình rơi vào một cuộc xung đột vũ trang với các nước có tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh đã tự mình phá vỡ chính sách nói trên. Điều này không có lợi cho Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chính sách quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Từ cuối năm ngoái đến giờ, Washington đã liên tiếp thực hiện những bước đi khẳng định vai trò là cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương của nước này. Những bước đi như vậy đã khiến Trung Quốc cảm thấy khó chịu và bực bội. Bắc Kinh tin rằng, việc Mỹ quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương là tìm cách thắt chặt vòng vây, kiềm chế sự nổi lên của nước này.

 

Nếu Trung Quốc tiếp tục đối đầu gay gắt với Philippine về vấn đề Biển Đông, làm hỏng hình ảnh của họ trong con mắt của những nước trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thì nước này đã vô tình đẩy các nước đó về phía Mỹ. Và Washington sẽ có thêm lý do để dính líu sâu hơn vào những cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Đây là điều Bắc Kinh không hề muốn. Trung Quốc luôn khẳng định quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương với từng nước mà họ có tranh chấp dù nhiều nước muốn đưa các cuộc tranh chấp này ra giải quyết ở tòa án quốc tế.

 

Có thể nói, vì những lý do được đưa ra ở trên, các nhà phân tích khẳng định, sẽ không có cuộc xung đột vũ trang nào xảy ra ở Biển Đông trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, khi mà những cuộc tranh chấp trên Biển Đông ngày càng leo thang nghiêm trọng cả về quy mô lẫn tần suất thì người ta thấy rằng, việc sớm đưa ra được bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông là điều hết sức cấp bách và cần thiết.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc