Tổng thống Trump tuyên bố "bắt tận tay" hành động đáng thất vọng của Trung Quốc

07:15, 29/12/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump hôm qua (28/12) tuyên bố Mỹ đã “bắt tận tay” Trung Quốc âm thầm cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Ông Trump đã bày tỏ sự “thất vọng” về cách hành xử của Trung Quốc.

Tổng thống Trump
Tổng thống Trump

 

Trung Quốc đã bình luận về những thông tin cáo buộc nước này vẫn âm thầm xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên bằng tuyên bố Bắc Kinh thực hiện “toàn diện và nghiêm túc” các biện pháp trừng phạt về thương mại mà Liên Hợp Quốc đang áp dụng với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Donald Trump đã phản ứng với thông tin cáo buộc Trung Quốc bí mật cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. "BẮT TẬN TAY — rất thất vọng khi Trung Quốc cho phép cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. Sẽ không bao giờ có một giải pháp hữu nghị cho vấn đề Triều Tiên nếu mọi việc tiếp tục diễn ra như thế!”, ông Trump đã viết như vậy trên tài khoản mạng xã hội của ông này.

Sau tuyên bố trên của Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Markey cho rằng, Nhà lãnh đạo của nước Mỹ nên có một chiến lược rõ ràng nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc cung cấp dầu thô cho Triều Tiên.

"Mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng gia tăng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Chính quyền này cần phải tìm ra cách bắt Trung Quốc cắt đứt nguồn cung cấp dầu thô vào Triều Tiên. Giải pháp là một chiến lược chặt chẽ, không phải những lời dọa dẫm”, ông Merkey nói.

Trước đó, hồi đầu tuần, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ trong nội bộ chính phủ ở Seoul cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện các tàu của Trung Quốc đang thực hiện hoạt động chuyển dầu mỏ sang các tàu của Triều Tiên ở giữa biển. Ít nhất 30 hoạt động giao dịch như vậy được ghi nhận đã diễn ra kể từ tháng 10.

Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 9 đã áp đặt giới hạn xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, theo đó nước này chỉ được nhập khẩu 500.000 thùng xăng dầu mỗi năm, bắt đầu từ tháng 10, đồng thời hạn chế cả hoạt động giao dịch dầu thô với Triều Tiên. Hoạt động chuyển dầu mỏ trực tiếp giữa các tàu cũng bị cấm vì lý do không thống kê được số lượng dầu cung cấp cho Triều Tiên.

Ngày hôm qua (28/12), Trung Quốc đã phản ứng với cáo buộc nhằm vào họ bằng tuyên bố chắc nịch rằng, họ đang tuân thủ hoàn toàn nghiêm túc nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. “Tình huống mà các bạn đề cập hoàn toàn không tồn tại”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang đã trả lời như vậy khi được hỏi về những cáo buộc mà tờ báo Hàn Quốc đưa ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying hôm 27/12 cũng lên tiếng khẳng định, Bắc Kinh không có thông tin gì về vấn đề nói trên, nhấn mạnh rằng họ vẫn đang tuân thủ “một cách toàn diện và nghiêm túc” các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ngoài những lời tuyên bố, Trung Quốc còn cho công bố những số liệu hải quan để chứng minh nước này đã không xuất khẩu bất kỳ sản phẩm dầu mỏ cho Triều Tiên trong tháng 11. Trung Quốc cũng không nhập khẩu quặng sắt, than và chì từ Triều Tiên.

Trên thực tế, trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã công bố quyết định cắt đứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên sau khi nước này tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân. Trước đó, Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên, nói rằng việc họ thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào láng giềng “thể hiện quan điểm” của họ.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ đòi cường quốc Châu Á phải ảnh hưởng của mình nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.

Kiệt Linh (tổng hợp)