Mỹ khiến tên lửa mạnh nhất của Triều Tiên thành đống sắt vô dụng?

11:08, 04/12/2017
|

(VnMedia) - Ngay sau khi Triều Tiên phóng đi một tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng tìm ra giải pháp có thể vô hiệu hóa sức mạnh của loại vũ khí đáng gờm này.

Hệ thống THAAD
Hệ thống THAAD

Theo tờ Sputnik của Nga, sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Lầu Năm Góc của Mỹ đã nhanh chóng quay trở lại công việc mà họ đã tập trung thực hiện trong giữa thế kỷ 20: đó là thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ họ trước bất kỳ cuộc tấn công nào bằng vũ khí hạt nhân.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ (MDA) đang rà soát một loạt khu vực ở bờ biển phía tây của nước Mỹ để lựa chọn nơi thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ họ 24/24 giờ trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiê. Cả Mỹ và Triều Tiên đều đang cấp tập chuẩn bị đối phó với mối đe dọa hạt nhân dù với lý do hoàn toàn khác nhau.

Kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bao gồm việc triển khai mạng lưới chống tên lửa đạn đạo THAAD trên đất liền, Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa trên các chiến hạm Aegis của Mỹ. Hệ thống THAAD được cho là có mức độ chính xác cao hơn nhiều so với Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km. Trong khi đó, Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo từ ngoài không gian, trước khi chúng tới mục tiêu.

Hệ thống chiến đấu Aegis của tập đoàn lừng danh Lockheed Martin Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhau gồm radar, máy tính, phần mềm, máy phóng vũ khí và vũ khí nhằm chống lại một loạt mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Mục đích của sự kết hợp này là nhằm tạo ra một hệ thống chiến đấu toàn diện nhất. Không phải vô cớ mà Aegis được ví là tấm lá chắn huyền thoại của thần Dớt. Nó chính là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.

Hải quân Mỹ đã sử dụng rộng rãi hệ thống Aegis. Aegis là một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa của NATO ở Châu Âu.

Trong khi Aegis là một hệ thống linh động hơn và ít tốn kém hơn thì nó lại không thể chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn bởi nó chỉ đánh chặn các tên lửa đạn đạo khi chúng đang ở trên không trung. THAAD có khả năng được triển khai nhanh hơn bởi nó có thể được vận chuyển qua đường hàng không. Aegis Ashore đòi hỏi phải xây dựng một căn cứ để chứa hệ thống này và điều đó mất đến vài tháng hoặc nhiều hơn.

Thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng Chiến lược Mỹ – ông Mike Rogers nhấn mạnh, MDA đang tìm kiếm thêm các địa điểm triển khai lá chắn tên lửa ở khu vực ven biển của Mỹ dù hạng mục này chưa được đưa ra trong ngân sách quốc phòng năm 2018 của Lầu Năm Góc.

Thông tin trên cho thấy, Mỹ có ý định lập các hệ thống lá chắn tên lửa dày đặc để đối phó với Triều Tiên và các lá chắn tên lửa của Mỹ đều là những vũ khí chặn tên lửa hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới. Như vậy, tên lửa mạnh hàng đầu của Triều Tiên có thể dễ dàng biến thành đống sắt vụn vô dụng khi vấp phải hệ thống phòng thủ tên lửa được trang bị vũ khí đánh chặn cực kỳ tinh vi và thiện chiến của Mỹ.

Trên thực tế, Mỹ đã triển khai rất nhiều các đơn vị lá chắn tên lửa có độ cơ động cao – THAAD trên lãnh thổ của họ nhưng đến nay các địa điểm triển khai vẫn là một bí mật được bảo vệ rất kỹ.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc