Vì sao Nga "toát mồ hôi" trước tên lửa Triều Tiên?

08:45, 28/11/2017
|

(VnMedia) - "Những tên lửa đánh chặn được phóng đi từ Alaska nếu trượt mục tiêu là những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang bay đến từ phía Triều Tiên thì nó sẽ tiếp tục bay và quay trở lại khí quyển trái đất trong không phận Nga”.

Chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa đối với cả Nga
Chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa đối với cả Nga

Vì thế, cân nhắc mọi yếu tố, Mỹ nên tham vấn với Nga về khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên và thiết lập một thỏa thuận trước. Tuy nhiên, thậm chí là như vậy thì trong một nỗ lực đánh chặn thật sự, Mỹ có thể vẫn phải trông chờ vào khả năng hoạt động chính xác của hệ thống cảnh báo sớm của Nga cũng như sự kiềm chế của điện Kremlin trong việc tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân không cần thiết.

Trong trường hợp Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khác hoặc có thể phát động một cuộc tấn công vào Mỹ, Lầu Năm Góc có thể sẽ tìm cách đánh chặn những tên lửa đó bằng Hệ thống Phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). GMD là lá chắn cuối cùng bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối phương. Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, các tên lửa đánh chặn trượt mục tiêu có thể sẽ quay trở lại khí quyển trái đất bên trong không phận của Nga. Một kết cục như thế có thể là một vấn đề rất nghiêm trọng nếu như các bên không có những bước đi để giải quyết vấn đề đó ngay bây giờ.

“Các bạn nên hiểu rõ về mối quan ngại trước viễn cảnh những tên lửa đánh chặn được bắn đi từ Alaska nếu trượt mục tiêu là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang bay đến từ Triều Tiên thì nó sẽ tiếp tục bay và quay trở lại khí quyển trái đất trong không phận của Nga”, ông Kingston Reif – Giám đốc phụ trách chính sách giải trừ vũ khí và giảm trừ mối đe dọa thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, đã cho tờ National Interest biết như vậy.

“Thực tế trên chứa đựng nguy cơ không nhỏ về việc bùng phát leo thang căng thẳng không lường trước được”, ông Reif cho biết thêm.

Ông Jeffrey Lewis – Giám đốc Chương trình Phi hạt nhân hóa khu vực Đông Á của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, cho rằng, "Mỹ nên mở một cuộc đối thoại với Nga về vấn đề trên một cách ngay lập tức”.

Ông Olya Oliker – giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cũng đồng ý như vậy. “Chúng ta hiện tại có thời gian để tham vấn với Moscow, nói về các kế hoạch, thảo luận cách thức để thông báo cho nhau. Đây không phải là vấn đề liên quan đến khoa học tên lửa”, ông Oliker nhấn mạnh.

Trong một bài viết gần đây, ông Lewis đã lập luận rằng, một tên lửa đánh chặn có thể vô tình châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân nếu Nga hiểu nhầm một vũ khí như vậy là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang tấn công về phía họ.

“Chúng ta không thể giả định rằng Nga sẽ nhận ra vụ phóng tên lửa từ Alaska là một tên lửa đánh chặn mang tính phòng thủ chứ không phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Từ Nga, đường bay của các tên lửa như vậy hoàn toàn giống nhau, đặc biệt nếu hệ thống radar phải chịu áp lực quá lớn”, ông Lewis phân tích.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ do hàng loạt những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng cùng với những lời đe dọa, cảnh báo sắc lạnh từ chính quyền ông Trump nhằm vào Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên cùng với những phản ứng mạnh mẽ của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đẩy khu vực đến sát miệng vực chiến tranh.

Trong khi Mỹ liên tục làm căng với Triều Tiên thì Nga cùng với Trung Quốc đang nỗ lực tháo gỡ tình hình bằng biện pháp ngoại giao. Moscow và Bắc Kinh đặc biệt quan ngại viễn cảnh bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên – khu vực nằm sát biên giới hai nước họ.

Kiệt Linh (theo NI)


Ý kiến bạn đọc