Quân Assad bị hạ gục bởi đối thủ không ngờ?

16:39, 01/11/2017
|

(VnMedia) - Với việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần như đã bị đánh bại hoàn toàn ở Syria, Damascus bắt đầu để mắt đến những khu vực lãnh thổ đang nằm trong sự kiểm soát của lực lượng người Kurd, trong đó có cả những mỏ dầu ở phía đông. Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu mới - một cuộc đối đầu có thể kéo theo sự can dự sâu hơn của Mỹ vào chiến trường Syria và gây cản trở cho tiến trình ngoại giao của Nga. Một cuộc chiến như vậy chứa đựng nhiều nguy cơ cho quân đội Syria bởi lực lượng người Kurd đã chứng minh họ là một đội quân chiến đấu hiệu quả và hơn nữa họ được hậu thuẫn bởi liên quân quốc tế hùng hậu do Mỹ dẫn đầu.

Tổng thống Assad
Tổng thống Assad

Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh Iran dường như đang trở nên bạo dạn hơn trong quyết tâm giành đất với người Kurd nhờ những gì vừa diễn ra ở Iraq - nơi giới chức người Kurd vừa hứng đòn giáng choáng váng do các nước trong khu vực đều đồng loạt chống lại cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của họ, giới phân tích cho hay.

Sự đối đầu giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn với chính phủ Syria được Iran và Nga ủng hộ đang gia tăng khi cuộc chiến chống lại kẻ thù chung của họ là IS đang gần đi đến hồi hết.

Các nhóm người Kurd chính ở Syria hy vọng sẽ khởi động một tiến trình đàm phán mới cho phép họ có được quyền tự trị ở phía bắc Syria. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Assad đang đòi quyền kiểm soát đối với những khu vực lãnh thổ mà SDF giành lại được từ tay nhóm khủng bố IS. Hồi cuối tuần vừa rồi, Damascus đã thẳng thừng tuyên bố, thành phố Raqqa – nơi từng là thủ phủ của IS – vẫn được coi là khu vực “bị chiếm đóng” cho đến khi quân đội Syria giành lại được quyền kiểm soát nơi này. Tuyên bố này rõ ràng là một lời thách thức đối với Washington bởi Mỹ đã giúp SDF chiếm lại được thành phố Raqqa từ tay IS sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.

Không chỉ dừng lại ở tuyên bố về Raqqa, Damascus còn đang để mắt đến các giếng dầu ở phía đông. Theo một quan chức Syria và một chỉ huy trong lực lượng đồng minh của ông Assad, các giếng dầu ở phía đông mà SDF giành được hồi tháng 10, trong đó có giếng dầu lớn nhất, sẽ trở thành mục tiêu của quân chính phủ. Quân đội Syria đang tìm cách khôi phục lại các nguồn lực mà họ cần cho công cuộc tái thiết đất nước sau khi cuộc nội chiến kéo dài gần 7 năm đã để lại một đất nước bị tàn phá nghiêm trọng.

"Thông điệp là rất rõ ràng đối với lực lượng chiến binh SDF và các nước ủng hộ đội quân này trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu: đó là những khu vực lãnh thổ mà họ giành lại được từ IS (hay còn gọi là Daesh) hoàn toàn là thuộc chủ quyền của nhà nước Syria”, vị chỉ huy trong lực lượng đồng minh của Tổng thống Assad nhấn mạnh.

"Liên quan đến các nguồn lực của nhân dân Syria ở phía đông - dầu mỏ và nhiều thứ khác - chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai kiểm soát các nguồn lực của đất nước cũng như thiết lập các vùng tự trị hay nghĩ đến việc tự quản lý”, vị chỉ huy giấu tên nói trên nhấn mạnh thêm. Vị chỉ huy này thuộc liên minh quân sự trong đó có rất nhiều chiến binh người Shi'ite được Iran hậu thuẫn đến từ khắp khu vực.

Trong khi đó, một quan chức của Syria khẳng định, SDF không thể nắm quyền kiểm soát các nguồn lực dầu mỏ. “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó”, vị quan chức của Syria cho hay.

Mỹ chưa cho biết họ sẽ hậu thuẫn về mặt quân sự đến mức nào cho lực lượng SDF sau khi IS bị đánh bại. Đây là một vấn đề nhạy cảm vì sự quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO. Ankara coi lực lượng người Kurd ở Syria là một mối đe dọa đối với an ninh của nước họ.

Ông Joshua Landis - một chuyên gia về Syria và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông ở trường Đại học Oklahoma, cho rằng, chính phủ Syria sẽ tìm cách giành lại các giếng dầu mỏ theo đúng như cách quân đội Iraq đã làm để lấy lại giếng dầu mỏ ở Kirkuk.

Người Kurd ở Iraq đã giành quyền kiểm soát một loạt khu vực rộng lớn ở bên ngoài khu vực tự trị của họ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phương Tây, Baghdad, Ankara và Iran. Kết quả là sau đó, người Kurd ở Iraq đã mất phần lớn lãnh thổ vào tay Baghdad, trong đó có các khu vực sản xuất dầu mỏ ở thành phố Kirkuk.

Giới chức Syria cảnh báo, vụ việc trên là “một bài học cho người Kurd ở Syria, vì thế họ nên nghĩ về tương lai”.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc