Phóng viên quốc tế tại APEC: 'TPP kịch tính như phim dài tập'

15:19, 12/11/2017
|

Hiệp định tự do thương mại TPP 11 trở thành vấn đề nóng với nhiều kịch tính đối với các phóng viên có mặt tại APEC Đà Nẵng.

Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) kết thúc hôm qua 11/11. VnExpress đã phỏng vấn các phóng viên nước ngoài về những dấu ấn đọng lại tại APEC 2017.

Đàm phán TPP-11 làm báo giới 'sôi sùng sục'

"Đến APEC lần này, chỉ có hai vấn đề tôi quan tâm nhất là đàm phán TPP 11 và Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu gây sốc nào không", phóng viên Nikkei Asia Review Takehiko Koyanagi thường trú tại Bangkok, Thái Lan cho biết. "Và đưa tin về TPP nhiều bất ngờ hơn tôi tưởng vì không nghĩ lại kịch tính đến như vậy".

Vào đầu tháng 5, tất cả 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP khởi động vòng đàm phán đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút lui. Canada đăng cai tổ chức trong khi Nhật Bản giữ vai trò trò lĩnh xướng trong các cuộc đàm phán về TPP 11.

Mong muốn mau chóng triển khai hiệp định thương mai tự do này với những điều khoản đã được thống nhất trước đó được giữ nguyên, Tokyo coi thời điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng là mốc mục tiêu để kết thúc đàm phán TPP 11.

Tuy nhiên, sau Thủ tướng Canada không xuất hiện tại cuộc họp cấp lãnh đạo các quốc gia tham gia TPP dự kiến diễn ra vào lúc 2h chiều ngày 10/11, báo chí trong nước và quốc tế "sôi sục".

Trước đó, vào ngày 9/10, một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa 11 thành viên còn lại của TPP diễn ra ở Tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Nhiều phóng viên đứng chờ bên ngoài "săn tin". Khi thấy Bộ trưởng Mexico đi ra đầu tiên, cánh phóng viên hỏi "Cuộc họp diễn ra thế nào thưa ông?". Đại diện Mexico nói "Rất tốt". Sau đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản bước ra và tuyên bố các nước đã đạt được thỏa thuận TPP "về mặt nguyên tắc". Các nước khác không bình luận gì. Tuy nhiên, chỉ hai tiếng sau đó, Bộ trưởng thương mại Canada Francois-Philippe Champagne đăng trên mạng xã hội Twitter, khẳng định thông tin về một thỏa thuận TPP "hoàn toàn không đúng sự thật".

"Mọi diễn biến kịch tính như một bộ phim truyền hình dài tập", phóng viên Wu Di báo điện tử Duowei Media, trụ sở tại Mỹ, cảm thán.

Phóng viên tác nghiệp tại cuộc họp báo về kết quả đàm phán TPP-11 vào lúc 11h trưa ngày 11/11 tại Trung tâm Báo chí Quốc tế, APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: An

Phóng viên tác nghiệp tại cuộc họp báo về kết quả đàm phán TPP-11 vào lúc 11h trưa ngày 11/11 tại Trung tâm Báo chí Quốc tế, APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: An

Một phóng viên hãng tin quốc tế chia sẻ do thông tin liên quan đến thỏa thuận TPP 11 "nhiễu loạn" nên đội tác nghiệp tại hiện trường "khi chạy tin nóng phải đắn đo rất kỹ từng từ ngữ". Theo quy định cập nhật tin nóng của nhiều hãng tin nước ngoài, một dòng tin nhanh chỉ có 8-12 chữ, viết hoa và bôi đỏ. Các phóng viên phải chọn từ ngữ "mơ hồ và chung chung" để tránh kết luận vội vàng. Ví dụ về cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo TPP vào chiều 10/11, các phóng viên chỉ viết "cuộc họp không xảy ra" vì không chắc "cuộc họp đã bị hủy hay hoãn tạm thời".

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 11/11 trong Trung tâm Báo chí Quốc tế, Thủ tướng Justin Trudeau giải thích rằng ông không thể tham dự cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo TPP vì "cuộc gặp song phương trước đó với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kéo dài". Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Canada cho rằng ông Trudeau vắng mặt do "nhầm lẫn lịch làm việc".

Andy Blatchford, phóng viên Canadian Press, tháp tùng Thủ tướng Trudeau suốt chuyến đi cho biết: "Ông ấy đã luôn rõ ràng với lập trường rằng chỉ ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho Canada. Hiện các bên mới chỉ đạt được một vài bước tiến bộ nhỏ để tiến tới một hiệp định về nguyên tắc".

Báo chí thay đổi để thích ứng với thời cuộc

"Báo chí phải chạy theo thay đổi về công nghệ và thay đổi về nội dung vì tầm cỡ và các vấn đề của APEC năm nay đã khác trước rất nhiều", phóng viên quay phim kỳ cựu Nguyễn Văn Vinh cho biết.

"Tại APEC lần này, tôi làm việc với hãng AP", ông nói và kể rằng đây là lần thứ ba, ông đưa tin về APEC. Lần thứ nhất tại Thượng Hải vào năm 2001, lần thứ hai tại Hà Nội vào năm 2006. "Qua 16 năm, thế giới đã trải qua những thay đổi rất lớn, đặc biệt về mặt kinh tế".

Phóng viên Nguyễn Văn Vinh tại khoang làm việc của hãng tin AP trong Trung tâm Báo chí Quốc tế, APEC 2017, Đà Nẵng. Ảnh: An.

Phóng viên Nguyễn Văn Vinh tại khoang làm việc của hãng tin AP trong Trung tâm Báo chí Quốc tế, APEC 2017, Đà Nẵng. Ảnh: An.

Một trong những chủ đề "nóng" tại APEC 2017 là tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tới lực lượng lao động. Các chuyên gia tham gia đối thoại tại Hội nghị Thượng định Doanh nghiệp APEC cho rằng các chính phủ cần phải sẵn sàng trước viễn cảnh công nghệ thay đổi chất lượng của thị trường lao động.

"Chỉ cần so với APEC 2006 thôi, cách thức tác nghiệp của phóng viên tại APEC lần này đã khác lắm rồi do những thay đổi rất lớn về công nghệ, đặc biệt công nghệ dựa trên nền tảng Internet", ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, giờ đây "công chúng muốn xem những sự kiện đang diễn ra chứ không phải những thứ đã diễn ra rồi" do vậy các cơ quan báo chí đều áp dụng cách thức đưa tin tường thuật trực tiếp. Trước kia, truyền hình có lợi thế trong việc truyền tin trực tiếp nhưng "bây giờ các báo điện tử cũng đang làm việc đó rất tốt".

"Công nghệ đang làm thay đổi công việc của những người làm truyền thông", phóng viên kỳ cựu này cho biết. "Nếu mọi sự kiện tại APEC đều có thể làm trực tiếp thì hiệu ứng còn lớn hơn rất nhiều".

Theo VnExpress


Ý kiến bạn đọc