Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khiến Trung Quốc nổi giận

07:21, 07/11/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (6/11) đã nổi giận lên tiếng chỉ trích gay gắt chuyến thăm của nữ Bộ trưởng Quốc phòngđến bang Arunachal Pradesh xa xôi. Đây là khu vực đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bắc Kinh cảnh cáo, hành động mới nhất của phía Ấn Độ sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của hai bên trong việc duy trì hòa bình ở khu vực dọc biên giới hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman

Căng thẳng mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ xung quanh vùng đất Arunachal Pradesh ở phía đông Himalayas đã cho thấy hai nước láng giềng to lớn vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn và bất đồng bất chấp những nỗ lực gần đây của họ nhằm tháo ngòi căng thẳng.

Trước đó, hôm 5/11, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã thực hiện chuyến đi thị sát nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng thủ của quân đội nước này ở Arunachal Pradesh dọc Đường Kiểm soát Thực tế - khu vực biên giới đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Sitharaman đã cho công bố một loạt bức ảnh chuyến thăm của bà, trong đó có cuộc gặp với các sĩ quan Ấn Độ.

Chuyến thăm của bà Sitharaman diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ vừa mới làm hòa được sau cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hàng chục ngày ở một khu vực biên giới tranh chấp khác.

Trung Quốc ngay lập tức phản ứng trước động thái mới nhất nói trên của nữ Bộ trưởng Ấn Độ. "Một quan chức Ấn Độ đến khu vực tranh chấp nằm trên đường biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Chuyến thăm này sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều và điều đó không có lợi cho các nỗ lực của cả hai bên trong việc duy trì hòa bình và sự yên bình ở biên giới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying hôm qua đã nói như vậy.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa lên tiếng gì với vụ việc nói trên. Trong quá khứ, New Delhi thường phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ nỗ lực nào nhằm thách thức chủ quyền của họ ở Arunachal.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương trong những năm gần đây nhưng giữa  họ vẫn tồn tại sự thiếu tin tưởng, hoài nghi sâu sắc về vấn đề tranh chấp biên giới.

Hồi tháng Tư, Trung Quốc đã lên án quyết định của Ấn Độ trong việc chào đón Nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đến nước này, cảnh báo rằng hành động của New Delhi có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương.

Trung Quốc hy vọng Ấn Độ có sự thỏa hiệp để hai bên giải quyết bất đồng, bà Hua nói. "Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể phối hợp với Trung Quốc để tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới một cách phù hợp thông qua đàm phán và tạo ra những điều kiện cũng như môi trường tốt”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi.

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km, bao phủ gần hết bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc gọi vùng lãnh thố đó là “Nam Tây Tạng". Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cuộc chiến năm 1962 chưa phải là chương cuối trong cuộc tranh chấp xung quanh bang Arunachal và rằng Arunachal vẫn là vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp. Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm xác định quyền kiểm soát đối với khu vực biên giới Arunachal đều khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ như năm 1986, việc Ấn Độ nhắc đến Arunachal như là một bang của nước này đã châm ngòi cho một cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước ở Sumdurong Chu.

Trong nhiều thập kỷ, sau nhiều thất bại trước Trung Quốc, Ấn Độ thường chọn cách thoái lui trước Trung Quốc. Nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Một Ấn Độ mạnh hơn lên, bạo dạn hơn lên đang khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Theo các nhà phân tích Ấn Độ, sẽ không ai trong số 2 nước muốn gây chiến tranh. Tuy nhiên, New Delhi không bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự giới hạn ở khu vực phía đông bang Arunachal - một chiến dịch chớp nhoáng nhằm lấy đi vùng đất này. Vì lẽ đó, Ấn Độ đang tìm cách củng cố quân đội ở Arunachal để đối phó với một tình huống như thế.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc