Nga bất ngờ thất bại trên mặt trận Syria

09:58, 06/11/2017
|

(VnMedia) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (5/11) cho biết Nga đã quyết định hoãn kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Syria vào tháng này sau khi vấp phải phản ứng lãnh đạm, thờ ơ từ Ankara và các nước phương Tây. Thất bại của Nga khiến con đường tìm kiếm hòa bình cho Syria càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Chiến trường Syria vẫn nóng bỏng bởi cuộc chiến giữa các phe nhóm đối lập nhau
Chiến trường Syria vẫn nóng bỏng bởi cuộc chiến giữa các phe nhóm đối lập nhau

Nga có kế hoạch tổ chức “Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria” vào ngày 18/11 ở khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen nhằm đưa các “người chơi” khác nhau trong cuộc nội chiến kéo dài gần 7 năm qua ở Syria ngồi lại với nhau.

Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây ngay lập tức đã bày tỏ sự hoài nghi về hội nghị nói trên, nói rằng những nỗ lực hòa bình tốt hơn hết nên được thực hiện thông qua cơ chế của Liên Hợp Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra khó chịu về kế hoạch tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria của Moscow bởi sự kiện này có thể có sự tham gia của các nhóm người Kurd ở Syria như Đảng Đoàn kết Dân chủ (PYD). Lực lượng người Kurd đang kiểm soát rất nhiều khu vực lãnh thổ ở phía bắc Syria nhưng bị Ankara coi là các nhóm khủng bố.

Kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Syria được Moscow thông báo sau vòng đàm phán hòa bình mới nhất về Syria do Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng với Nga đứng ra làm trung gian và hậu thuẫn ở thủ đô Astana.

"Chúng tôi đã ngay lập tức phản đối ý tưởng”, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – ông Ibrahim Kalin cho đài truyền hình NTV biết.

"Điện Kremlin sau đó đã liên hệ với chúng tôi và cho biết họ đã quyết định hoãn hội nghị hòa bình Syria lại. Vì vậy, nếu không có gì thay đổi, hội nghị đó sẽ không diễn ra vào ngày 18/11 mà sẽ là một ngày nào đó sau này”, ông Kalin cho hay.

Theo phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, "các nhóm ở Syria sẽ tham gia nhưng nhiều khả năng nhất là họ sẽ chỉ cử một giám sát viên đến. Nga đã nói với chúng tôi rằng cuộc họp đã bị hoãn và PYD sẽ không tham gia".

Phía Nga chưa lên tiếng xác nhận về thông tin do phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ở trên.

Dù Moscow và Ankara hậu thuẫn cho hai phe đối lập nhau ở Syria nhưng hai nước này đã bắt tay hợp tác ngày một chặt chẽ với nhau kể từ sau khi một thỏa thuận hòa giải năm 2016 giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ Ankara bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga ở Syria.

Nga cùng với Iran là hai nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chiến dịch can thiệp quân sự của Moscow vào Syria đã giúp Damascus lật ngược tình thế trên chiến trường. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ cho phe nổi dậy Syria – lực lượng đang tìm cách lật đổ chính quyền của ông Assad.

Mặc dù chính sách của Ankara không thay đổi nhưng nước này gần đây đã áp dụng lập trường mềm dẻo hơn rất nhiều với Damascus sau khi sự hợp tác giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ được củng cố.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp với nhau thực thi cái gọi là 4 vùng an toàn ở những điểm nóng của Syria nhằm mở đường cho tiến trình tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Trung Đông. 4 vùng an toàn là nơi đang chứng kiến tình trạng bạo lực giảm đáng kể.

Kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình của Nga đổ bể một lần nữa cho thấy, mâu thuẫn giữa các nước có liên quan khiến cho cuộc khủng hoảng ở Syria thêm phức tạp và khó tháo gỡ.

Cuộc chiến ở Syria chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Hai bên ủng hộ cho hai phe đối địch nhau trong cuộc chiến ở Syria. Nếu như Nga luôn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Mỹ và phương Tây lại hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria.

Ngoài ra, Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cũng mâu thuẫn với nhau về lực lượng người Kurd ở Syria. Trong khi Ankara coi lực lượng người Kurd ở Syria là kẻ thù thì Mỹ lại coi lực lượng này là đội quân đồng minh chủ lực trong cuộc chiến tiêu diệt IS.

Lực lượng người Kurd cũng muốn giành quyền kiểm soát một số khu vực nhất định ở Syria. Điều này sẽ khiến họ phải đối đầu với chính quyền Tổng thống Assad và cả Nga.

Có thể nói, những mâu thuẫn và lợi ích chồng chéo nhau sẽ khiến cuộc chiến ở Syria dễ dàng phát triển theo hướng tiêu cực hơn, khó giải quyết hơn.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc