Láng giềng ồ ạt mua vũ khí tối tân, Nga đang gặp nguy?

17:04, 29/11/2017
|

(VnMedia) - Ba Lan có kế hoạch mua tới 150 tên lửa không đối không tối tân và khoảng hơn hai chục bệ phóng tên lửa cùng hàng loạt thiết bị quân sự cao cấp khác từ Mỹ với tổng chi phí ước tính lên tới khoảng 500 triệu USD. Đây là thông tin vừa được Lầu Năm Góc tiết lộ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng – một bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các hoạt động bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Mỹ và các đồng minh, hôm qua (28/11) đã tiết lộ trong một thông cáo báo chí rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn một thỏa thuận mới với Ba Lan, theo đó nước láng giềng của Nga sẽ mua một danh sách dài các vũ khí tối tân của Mỹ.

Hợp đồng mua bán nếu được thực hiện sẽ chứng kiến Ba Lan mua đến 150 tên lửa không đối không tầm trung tối tân AIM-120-7 cũng như các hệ thống pháo phản lực tầm xa lưu động (HIMARS), 16 bệ phóng tên lửa đa nòng có dẫn đường (GMLRS) M31A1 và 9 hệ thống phóng tên lửa đa nòng có dẫn đường (GMLRS) M30A1. Lô vũ khí trong hợp đồng còn bao gồm 61 tên lửa dẫn đường đất đối đất và các thiết bị định vị, liên lạc cùng với một loạt rocket huấn luyện và các thiết bị quân sự khác.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng lập luận rằng, việc bán hàng chục tên lửa và bệ phóng tên lửa cho Ba Lan sẽ “hỗ trợ cho chính sách đối ngoại và các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ thông qua việc giúp củng cố an ninh cho một đồng minh của NATO” đồng thời tăng cường sự tương tác giữa các lực lượng của Ba Lan với các đồng minh của họ trong NATO.

Khi được hỏi tại sao Ba Lan lại cần một số lượng lớn vũ khí tối tân như vậy, Lầu Năm Góc đã trả lời rằng, những vũ khí đó là cần thiết cho mục tiêu phòng thủ đơn thuần, bao gồm có việc “ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực”.

Với hợp đồng nói trên, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Mỹ cho rằng, nó sẽ “không làm thay đổi cán cân quân sự căn bản trong khu vực”.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng Washington cho phép bán một số lượng lớn vũ khí cho Ba Lan. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từng thông qua một hợp đồng bán 4 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ba Lan với trị giá lên tới 10,5 tỉ USD.

Những hoạt động tăng cường quân sự của NATO ở các khu vực gần sát với biên giới của Nga, trong đó bao gồm cả ở Ba Lan và các nước Baltic, đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực trong những năm gần đây. Moscow liên tục lên án diễn biến trên, nói rằng nó sẽ làm phương hại đến an ninh trong khu vực.

Với việc NATO tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở ngay cửa ngõ của Nga, Moscow buộc phải tăng cường an ninh cho chính họ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng 10 đã chỉ ra rằng, ngoài việc NATO đang tiến ngày một gần tới các đường biên giới của Nga, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương còn đang tăng số lượng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. “Chỉ trong vòng 3 tháng qua, đã có hơn 30 cuộc tập trận diễn ra ở Đông Âu và các nước Baltic”, ông Shoigu cho biết.

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Cùng với đó, Ba Lan cũng ra sức tăng cường sức mạnh quân sự của riêng mình.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc