Hành động "lạ" ở Biển Đông, Mỹ đang xuống nước với Trung Quốc?

11:43, 11/10/2017
|

(VnMedia) - Một tàu khu trục của Hải quân Mỹ hôm qua (10/10) vừa tiến vào Biển Đông trong một động thái được cho là tiếp tục thách thức Trung Quốc bất chấp việc Washington vẫn đang nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa mang tên Triều Tiên. Tuy nhiên, lần hành động này của Washington được cho là ít khiêu khích hơn so với những lần trước đây. Vì sao, Mỹ lại có hành động “lạ” như vậy?

Tàu khu trục của Mỹ
Tàu khu trục của Mỹ

Tàu khu trục USS Chafee – một tàu chiến lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ, đã đi vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông trong một động thái gọi là thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải”, các quan chức Mỹ cho biết.

Tàu USS Chafee đã đi qua quần đảo Hoàng Sa, ở bên ngoài nhưng rất gần với phạm vi 12 hải lý so với quần đảo này, các quan chức giấu tên của Mỹ cho hay. Giới chức Mỹ không ngần ngại tuyên bố, chuyến đi của tàu khu trục USS Chafee là để thực hiện nhiệm vụ thách thức “đòi hỏi chủ quyền thái quá” ở trong khu vực, ám chỉ đến việc Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tàu khu trục USS Chafee là một chiến hạm hoạt động tích cực trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Con tàu này được cho là đã xuất phát từ Hồng Kông hôm 9/10 trước khi tiến vào Biển Đông.

Động thái trên là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc thách thức cũng như đối phó với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn sự tự do hàng hải ở Biển Đông – một vùng biển chiến lược quan trọng của thế giới.

Tuy nhiên, hành động lần này của phía Mỹ được đánh giá là không mang tính khiêu khích như những hành động tương tự trước đó của họ dưới thời Tổng thống Trump. Hồi tháng 8, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã đi hẳn vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Lần này, tàu khu trục Mỹ chỉ đi sát chưa không đi hẳn vào phạm vi 12 hải lý nói trên.

Phạm vi 12 hải lý là giới hạn lãnh thổ được quốc tế thừa nhận. Đưa tàu chiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý đồng nghĩa với việc Mỹ tuyên bố không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực đó.

Lầu Năm Góc không bình luận trực tiếp về chuyến đi vào Biển Đông của tàu khu trục USS Chafee lần này mà chỉ cho biết lực lượng của họ vừa thực hiện chuyến đi tự do hàng hải định kỳ và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Trong tháng tới, ông chủ Nhà Trắng sẽ có chuyến công du đầu tiên đến Châu Á trên cương vị Nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Ông Trump sẽ có chuyến dừng chân tại Trung Quốc và tại đây ông được cho là sẽ tiếp tục gây áp lực để buộc Bắc Kinh nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát chương trình tên lửa, hạt nhân của đồng minh Triều Tiên. Trung Quốc không chỉ là láng giềng của Triều Tiên mà còn là đối tác thương mại lớn nhất cũng như nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên. Đây có thể là lý do khiến cho lần hành động này của Mỹ ở Biển Đông ít mang tính thách thức và khiêu khích hơn.

Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn đưa tàu chiến vào thách thức Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp thực tế là Nhà Trắng đang rất cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên cho thấy Washington “rất rắn” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang trong vài năm trở lại đây khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên.

Tham vọng của Trung Quốc gây lo ngại với cộng đồng thế giới. Mỹ tin rằng, hành động của Trung Quốc gây đe doạ đối với sự tự do hàng hải ở Biển Đông chiến lược và sau thời gian chần chừ, né tránh một cách thận trọng, Mỹ bắt đầu công khai thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington liên tục nhấn mạnh nước này không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Chiến dịch “tự do hàng hải” được thực hiện bằng cách đưa tàu chiến Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington tuyên bố, đây là cách để Mỹ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như duy trì luật pháp quốc tế.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc