Đằng sau tuyên bố rút khỏi UNESCO của Washington

14:53, 14/10/2017
|
Mỹ và UNESCO giống như một cặp vợ chồng già sống xa nhau nhiều năm mà cuối cùng đã đồng ý ly dị.
 
Quyết định bất ngờ
 
Sáng 12/10, người Mỹ thức dậy với một tin tức khiến họ cảm thấy sốc: Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ từ bỏ vai trò thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
 
Lý do được Washington đưa ra bao gồm: Dừng hẳn và không thanh toán các khoản đóng góp tài chính còn tồn đọng, cũng như phản đối thái độ chống Israel ở tổ chức này.
Tổng thống Trump rút khỏi UNESCO vì tâm lý chống Israel tại đây.
Tổng thống Trump rút khỏi UNESCO vì tâm lý chống Israel tại đây.
Khi thông báo cho UNESCO về quyết định nói trên, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ vẫn muốn tham gia dưới tư cách quan sát viên. Điều này cho phép Mỹ tham gia vào các cuộc tranh luận và các hoạt động chung dù mất quyền biểu quyết.
 
UNESCO được thành lập tháng 11/1945, dựa trên sự đồng thuận của 37 quốc gia ngay sau Thế chiến II, nhằm mục đích "góp phần hòa bình và an ninh thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hoá".
 
Nhiệm vụ của UNESCO bao gồm các chương trình cải thiện tiếp cận giáo dục, bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao bình đẳng giới và thúc đẩy tiến bộ khoa học và tự do ngôn luận. Tổ chức này thường được biết đến nhiều nhất với chương trình bảo tồn Di sản Thế giới.
 
Năm 1984, Mỹ rút khỏi UNESCO cũng với lý do tổ chức này có sự thiên vị với Liên Xô và chỉ gia nhập trở lại vào năm 2002 dưới thời George W. Bush.
 
Đối với công chúng, quyết định rút lui này gây nhiều bất ngờ, bởi về cơ bản UNESCO là một tổ chức không mang nặng tính chính trị hay quân sự. Tầm ảnh hưởng của UNESCO gần như là không có trong các vấn đề ngoài lĩnh vực chính.
 
Theo giới phân tích, một trong những lý do dẫn đến quyết định này xuất phát từ chính sách giảm thiểu các khoản đóng góp cho Liên Hợp Quốc và đẩy mạnh cải cách cơ cấu và tài chính của ông Trump.
 
Ngoài ra, quan hệ Mỹ và UNESCO vốn đã có những bất hòa từ năm 2011 xung quanh cuộc xung đột Israel-Palestine.
 
Tháng 10 năm 2011, UNESCO thừa nhận tư cách thành viên của Palestine như một vùng lãnh thổ độc lập. Mỹ đã dừng viện trợ tiền cho UNESCO sau động thái này.
 
Vào thời điểm đó, số tiền đóng góp của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách hàng năm (80 triệu USD) của UNESCO.
 
Tính đến hết năm nay, khoản tiền đóng góp mà Mỹ còn nợ sẽ lên tới 550 triệu USD. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục thanh toán số tiền còn tồn đọng.
 
Với quyết định rút lui có hiệu lực vào 31/12/2018, Washington cũng coi như chấm dứt trách nhiệm trên.
 
Mỹ được gì và mất gì?
 
Vào năm 2013, sau khi Mỹ tiếp tục chậm trễ các khoản đóng góp cho UNESCO, tổ chức này đã đình chỉ quyền biểu quyết của Mỹ trong một số vấn đề quan trọng. Do đó, Mỹ về cơ bản đã không còn là thành viên của UNESCO trong một thời gian dài.
 
Theo tờ Vox, quyết định của chính quyền Trump là mũi tên trúng hai đích, vừa gây áp lực lên UNESCO về vấn đề đóng góp tài chính, vừa phản đối tâm lý chống Israel.
 
Tuy nhiên, theo David Bosco, một nhà khoa học chính trị tại đại học Indiana, quyết định của Mỹ sẽ không gây ra quá nhiều ảnh hưởng bởi UNESCO về cơ bản đã thích nghi với việc Mỹ không còn tham gia sinh hoạt chung từ rất lâu.
 
“Đó là một cặp vợ chồng già sống xa nhau nhiều năm và cuối cùng đã đồng ý ly dị”, Richard Gowan, một học giả tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, bình luận về sự việc.
 
Vấn đề đáng lo ngại ở đây là việc các quốc gia khác có thể theo gương Mỹ rời bỏ UNESCO hoặc chậm thanh toán các khoản đóng góp.
 
Trên thực tế, việc rời bỏ một tổ chức văn hóa quốc tế tầm cỡ sẽ làm hình ảnh của Mỹ càng thêm xấu đi ở thời điểm hiện tại.
 
Bên cạnh đó, các quốc gia không thuộc phương Tây - vốn là một khối mạnh mẽ trong UNESCO - sẽ tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng sau khi Mỹ rút lui.
 
Đây được cho là cơ hội cho các cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc thay thế vai trò chủ chốt mà Mỹ buông bỏ trên sân khấu thế giới.
 
Theo nguoiduatin.vn

 


Ý kiến bạn đọc