Viễn cảnh kinh hoàng từ nguy cơ sập khu thử hạt nhân Triều Tiên

11:27, 06/09/2017
|

(VnMedia) - Ngọn núi mà dưới đó Triều Tiên được tin là đã thực hiện 5 vụ thử hạt nhân sẽ phát tán phóng xạ khắp khu vực bán đảo Triều Tiên và sang cả Trung Quốc nếu nó bị sập do ảnh hưởng từ các vụ nổ hạt nhân, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Chúng tôi gọi đó là dỡ mái. Nếu ngọn núi bị sập và một lỗ hổng lớn được phơi bày, sẽ có nhiều điều tồi tệ xảy ra”, ông Wang Naiyan – một nhà nghiên cứu chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã nói như vậy trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam.

Thông thường các ngọn núi không bị sập bởi những tình huống ngẫu nhiên nhưng chỉ thêm một vụ thử hạt nhân nữa thì ngọn núi ở khu thử hạt nhân Punggye-ri có thể đổ sập và vỡ vụn, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hefei cho tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông biết.

“Chính phủ Triều Tiên nên chấm dứt các vụ thử hạt nhân bởi chúng sẽ gây ra mối đe dọa to lớn không chỉ với chính đất nước Triều Tiên mà còn với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Wang cảnh báo.

Trước đó, hôm Chủ nhật (3/9), Triều Tiên đã gây chấn động thế giới bởi tuyên bố vừa thử thành công một quả bom H được thiết kế để gắn lên đầu các tên lửa đạn đạo. “Vụ nổ hôm Chủ nhật đã gây ra một trận động đất khoảng 8 phút sau đó. Giới chức về địa chấn học của Trung Quốc cho rằng, vụ nổ đã gây ra một hố trũng lớn”, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin.

Đây là vụ thử bom H thứ hai của Triều Tiên. Hồi đầu năm ngoái, Triều Tiên cũng đã khiến thế giới bàng hoàng khi tuyên bố thử thành công bom H – một loại vũ khí ít được nhắc đến kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trái với bom nguyên tử - loại bom được thả xuống Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, bom khinh khí (bom H) hay còn gọi là “siêu bom” được giới chuyên gia đánh giá là có sức mạnh còn kinh khủng hơn rất nhiều lần, hơn tới 1.000 lần và còn nhiều hơn nữa. 3 vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, từ năm 2006 đến 2013, đều là bom A, tương đương với loại bom mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Những quả bom hạt nhân đáng sợ đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân vô tội ở đất nước Nhật Bản. Vậy mà bom H được biết đến là có sức mạnh hơn tới 1.000 lần. Thực tế này khiến ai cũng phải rùng mình ớn lạnh về sức mạnh của bom H.

Bom nguyên tử dựa vào sự phân tách hạt nhân, giống như các nhà máy điện hạt nhân làm. Trong khi đó, bom H còn gọi là bom nhiệt hạch tạo ra sức nổ khủng khiếp từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.

Công nghệ chế tạo bom H tinh vi hơn rất nhiều và khi được tạo ra nó cũng trở thành mối đe dọa lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử. Bom H có thể được làm nhỏ đủ mức để đưa lên các đầu đạn của tên lửa xuyên lục địa.

Tuy nhiên, bom H đòi hỏi rất nhiều công nghệ để có thể kiểm soát và đạt độ chính xác. Cả bom A và bom H đều sử dụng các nguyên liệu phóng xạ như uranium hoặc plutonium. Hiện có 5 nước có bom H là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Đặc biệt, trong tháng Bảy, Triều Tiên đã hai lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – loại tên lửa có khả năng vươn tới nước Mỹ. Mới đất nhất, hôm 29/8, Bình Nhưỡng đã táo bạo bắn tên lửa qua không phận Nhật Bản. Giờ đây, Triều Tiên lại tuyên bố có được trong tay loại bom H tối tân hơn và có thể được đưa lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un công khai thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu chế tạo được một loại tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Tất cả những diễn biến như trên gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản – 3 nước đang đối đầu trực tiếp với Triều Tiên.

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận, vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên mạnh hơn rất nhiều so với những gì họ có thể tưởng tượng bởi sức nổ của nó lớn hơn rất nhiều so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc