Trung Quốc nổi giận đùng đùng, tung cảnh báo sắc lạnh với láng giềng

15:57, 24/07/2017
|

(VnMedia) - Quân đội Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ ngay lập tức rút quân ra khỏi khu vực dãy núi Himalaya, cảnh báo rằng New Delhi "nên từ bỏ ảo tưởng không thực tế” về việc sở hữu lãnh thổ tranh chấp bởi Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Khu vực biên giới đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Khu vực biên giới đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian hôm nay (25/7) vừa lên tiếng kêu gọi Ấn Độ rút quân ngay lập tức ra khỏi khu vực lãnh thổ ở dãy núi Himalaya và chấm dứt các hành động khiêu khích vì lợi ích của sự ổn định và hòa bình trong khu vực trong bối cảnh hai nước đang đối đầu nảy lửa ở khu vực biên giới tranh chấp.

"Chúng tôi kiên quyết kêu gọi Ấn Độ ngay lập tức rút lực lượng xâm phạm biên giới ra khỏi khu vực và đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu để có thể tiến tới giải quyết tình hình ở biên giới”, ông Wu nói.

Vị phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu, “hòa bình và sự yên lành ở các đường biên giới có liên quan đến sự ổn định của khu vực cũng như liên quan đến lợi ích của chính hai nước”.

"Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ áp dụng mọi biện pháp hiệu quả cần thiết để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, ngừng ngay bất kỳ hành động khiêu khích nào và cùng với Trung Quốc tiến tới việc phối hợp với nhau để bảo vệ hòa bình và sự yên ổn ở các khu vực biên giới”, ông Wu nhấn mạnh.

Phía Ấn Độ “nên từ bỏ ảo tưởng không thực tế” bởi Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia”, phát ngôn viên Wu cảnh báo.

Lời kêu gọi và cảnh báo trên được giới chức Trung Quốc tung ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực tranh chấp nằm tiếp giáp với biên giới ba nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Cuộc tranh chấp này đã kéo dài nhiều thập kỷ nhưng nó bắt đầu leo thang lần mới nhất là kể từ ngày 16/6 sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam – một khu vực mà Ấn Độ khẳng định là thuộc lãnh thổ của Bhutan. Phản ứng trước bước đi mới nhất của Trung Quốc ở khu vực Doklam, Bhutan đã kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới. Kết quả là lực lượng hai nước Trung, Ấn đã và đang đối đầu nảy lửa với nhau ở khu vực biên giới tranh chấp trong suốt mấy tuần trở lại đây.

New Delhi lo ngại con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cao nguyên Doklam sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ bởi con đường đó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với “Cổ Gà” - một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Cuộc đối đầu hiện tại giữa lực lượng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gây lo ngại bởi đã có không ít động thái quân sự được tung ra. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài suốt 11 giờ đồng hồ, mô phỏng theo những điều kiện chiến đấu thực sự, ở khu vực Tây Tạng. Cuộc tập trận này được cho là nhằm để răn đe New Delhi.

Cùng với đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tăng cường lực lượng quân sự đến khu vực tranh chấp.

Quan hệ giữa hai cường quốc lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương - Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài dai dẳng suốt nhiều thập kỷ. Mặc dù quan hệ Trung-Ấn đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Ngoài ra, cũng như các cường quốc lớn khác, New Delhi lo ngại về tham vọng vươn xa của Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu có những bước đi ngày một lấn tới trong tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ tin rằng, Bắc Kinh cũng đang nhòm ngó khu vực Ấn Độ Dương. Cuộc đối đầu giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ còn có liên quan đến cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của hai cường quốc hàng đầu Châu Á này. Bắc Kinh không tránh khỏi cảm giác lo ngại khi New Delhi đang thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản - hai đối thủ hàng đầu của Trung Quốc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


 


Ý kiến bạn đọc