Mỹ nhăm nhe ra đòn với Trung Quốc

19:31, 14/07/2017
|

(VnMedia) - Mỹ được cho là đang chuẩn bị tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.

Giao dịch thương mại Trung-Triều được cho là vẫn tiếp tục tăng lên trong quý I năm nay
Giao dịch thương mại Trung-Triều được cho là vẫn tiếp tục tăng lên trong quý I năm nay

Loạt biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào những công ty được lựa chọn và những công ty tài chính quy mô nhỏ nhưng không phải là những ngân hàng lớn. Gói biện pháp trừng phạt mới có thể được thông báo trong vài tuần nữa, nguồn tin từ Reuters cho biết.

Bắc Kinh chưa có phản ứng gì trước thông tin trên nhưng mới đây một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ nhằm mục tiêu vào các công ty của họ. Theo vị phát ngôn viên này, luật của nước khác không nên được áp dụng vào các thực thể của họ.

Mỹ đã áp dụng gói biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào các công ty Trung Quốc hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng từ hồi cuối tháng Sáu. Đây là bước đi đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn của Mỹ so với phương pháp tiếp cận thận trọng mà họ luôn áp dụng trước đây trong việc gây áp lực với Trung Quốc – nguồn hậu thuẫn và tài trợ chủ yếu cho Triều Tiên.

Việc Nhà Trắng xem xét gói biện pháp trừng phạt thứ hai ngay sau gói biện pháp trừng phạt đầu tiên hồi tháng trước đã cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quyết liệt theo đuổi tiến trình xử lý dứt điểm vấn đề Triều Tiên bằng phương pháp tiếp cận cứng rắn với cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tung ra là nhằm tạo gây áp lực thực sự có ý nghĩa đối với chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh thân thiết nhất cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên – nước đang liên tục dùng vũ khí hạt nhân đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ Sáu. Riêng từ đầu năm đến giờ, số vụ thử tên lửa của Triều Tiên được cho là vào khoảng trên dưới 10 vụ, trong đó có nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Vấn đề Triều Tiên trở thành phép thử chính sách đối ngoại đầu tiên của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc – đối tác thương mại và kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực buộc Bình Nhưỡng lùi bước trong chương trình tên lửa, hạt nhân như Mỹ đã làm trong nhiều năm qua. Bất chấp thực tế là Bắc Kinh luôn bênh vực Bình Nhưỡng trong nhiều thập kỷ qua, Nhà Trắng ban đầu vẫn thể hiện sự lạc quan, cho rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên là một vấn đề dễ giải quyết với sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người vừa có cuộc gặp thân thiện với Tổng thống Trump hồi tháng Tư.

Tuy nhiên, Bắc Kinh như trước đây vẫn bác bỏ phần lớn những yêu cầu của Tổng thống Trump. Sau khi Tổng thống Mỹ công khai gây sức ép để buộc Bắc Kinh gây áp lực về kinh tế để kiềm chế Triều Tiên thì thương mại Trung-Triều tăng hơn 37% trong quý đầu. Con số thống kê này có từ tháng Tư nhưng chính quyền của ông Trump chỉ công bố hồi tuần trước.

Thông tin về thương mại Trung-Triều tiếp tục gia tăng đã làm dấy lên sự hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có thực sự muốn gây sức ép với đồng minh Triều Tiên hay không.

Tuy nhiên, Bắc Kinh gay gắt phản bác con số nói trên, nói rằng bức tranh thương mại Trung-Triều của họ đã bị bóp méo. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai khẳng định, “đó là một bức tranh bị bóp méo”. Theo ông này, thương mại song phương Trung-Triều đã giảm trong năm 2015 và 2016. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên đã giảm 41% trong tháng Tư và 32% trong tháng Năm do Bắc Kinh thực thi lệnh cấm nhập khẩu than của Triều Tiên.

Đồng thời, ông Cui nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên không phải là một lệnh cấm vận. “Theo các nghị quyết trừng phạt, thương mại bình thường... không bị cấm”.

Đại sứ Cui khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ Liên Hợp Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vì những hành động vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc của Bình Nhưỡng bằng các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp trong thời gian qua.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc