Mỹ âm thầm dọn đường đánh Syria, liệu Nga có cứu nổi Assad?

06:23, 02/07/2017
|

(VnMedia) - Mỹ được cho là đang âm thầm dọn đường cho một chiến dịch quân sự ồ ạt, quy mô lớn nhằm vùi dập quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Diễn biến này khiến Nga đặc biệt lo ngại. Câu hỏi được đặt ra là liệu trong một kịch bản quân của ông Assad bị Mỹ tấn công, liệu Nga có đủ sức cứu đồng minh hay không?

Mỹ được cho là đang dọn đường thực hiện một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào các đội quân trung thành với Tổng thống Assad
Mỹ được cho là đang dọn đường thực hiện một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào các đội quân trung thành với Tổng thống Assad

Mỹ đang dọn đường đánh Assad?

Gần đây, đang có một số dấu hiệu khiến nhiều người cho rằng giới chức ở Washington rất có thể đang dọn đường cho một cuộc tấn công hạ gục chính quyền của Tổng thống Assad.

Thứ nhất, Mỹ gần đây liên tiếp và công khai tung hỏa lực vào các đội quân trung thành với Tổng thống Assad. Hôm 18/5, các chiến đấu cơ của Mỹ đã bất ngờ không kích ồ ạt vào một đoàn xe quân sự mang cờ Syria ở phía đông nam nước này. Vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên quân đội Mỹ tấn công trực diện vào lực lượng của chính quyền Syria trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông. Cuộc tấn công ngày 18/5 được xem như bước khai màn để Mỹ tiếp tục mở rộng cuộc chiến trực diện với quân của ông Assad. Kết quả là cuộc xung đột giữa liên quân do Mỹ dẫn đầu với các lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Assad leo thang lên từng ngày.

Dấu hiệu thứ hai khiến người ta nghĩ một cuộc tấn công tổng lực của Mỹ nhằm vào quân chính phủ Syria ngày một đến gần chính là sự kiện Nhà Trắng bất ngờ tung ra một lời cáo buộc gây sốc. Theo đó, vào chiều muộn ngày 26/6, Nhà Trắng tuyên bố có trong tay một số bằng chứng cho thấy Syria dường như đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Washington nhanh chóng cảnh báo Tổng thống Bashar al-Assad rằng, ông này và chính quyền của ông có thể “sẽ phải trả cái giá đắt” cho bất kỳ cuộc thảm sát nào nhằm vào dân thường.

Với những diễn biến trên, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh Mỹ khởi động một chiến dịch quân sự rầm rộ, quy mô lớn nhằm nghiền nát các đội quân trung thành với Tổng thống Assad. Kịch bản này không phải là không có khả năng xảy ra khi mà lâu nay giới chức Mỹ và phương Tây vẫn nhắc đến các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học như một “lằn ranh đỏ” mà ở đó nếu Damascus xâm phạm thì họ sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề.

Còn nhớ, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama từng rậm rịch chuẩn bị cho một cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào Syria vì lý do liên quan đến cáo buộc Damascus dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Một cuộc tấn công như vậy chỉ được ngăn chặn sau khi Nga can thiệp vào bằng một đề xuất thông minh. Theo đó, chính quyền của ông Assad phải tiến hành hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học của họ để đổi lấy việc không bị Mỹ và các đồng minh phương Tây tiến đánh.

Tuy nhiên, nếu như Syria may mắn được Nga “cứu” trong vụ việc nói trên thì hồi thứ Tư mới đây, chính quyền của Tổng thống Assad đã không còn tiếp tục may mắn như vậy. Họ đã phải hứng chịu cơn mưa tên Tomahawk từ Mỹ sau khi Washington cáo buộc quân đội Syria thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào tỉnh Idlib, khiến 87 người thiệt mạng và làm 200 dân thường bị thương.

Như vậy, với cáo buộc mới nhất được Nhà Trắng đưa ra hôm 26/6 và đặt trong bối cảnh Tổng thống Trump từng hành động quyết liệt trong vấn đề vũ khí hóa học, sẽ là dễ hiểu khi nhiều người tin rằng Mỹ chuẩn bị đánh lớn ở Syria và các lực lượng trung thành với ông Assad sẽ là mục tiêu.

Bản thân chính phủ Syria cũng đã lên tiếng khẳng định, cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ, và là một âm mưu rõ ràng để Washington tìm cớ cho một cuộc tấn công mới nhằm vào các lực lượng của họ.

Nga liệu có cứu được đồng minh Assad?

Giới chức Moscow tỏ ra rất nhạy cảm trước những diễn biến ở Syria trong những ngày qua. Nga đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo Mỹ không được hành động đơn phương ở Syria đồng thời đe dọa sẽ đáp trả thích đáng nếu Mỹ dám động thủ với đồng minh của họ.

Vấn đề được đặt ra là liệu Nga có đủ sức cứu được đồng minh của Assad nếu một cuộc tấn công như vậy thực sự xảy ra.

Rất khó có được câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Chỉ có một điều có thể khẳng định, chiến trường Syria sẽ biến thành một chảo lửa không thể kiểm soát, bởi cuộc nội chiến ở Syria sẽ biến thành một cuộc chiến toàn cầu mà ở đó có sự tham chiến của hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới là Nga và Mỹ.

Chưa kể, Pháp và Anh - hai cường quốc quân sự khác của thế giới cũng đã đều lên tiếng ủng hộ và góp sức với Mỹ trong chiến dịch tấn công trừng phạt chính quyền của Tổng thống Assad nếu có.

Một cuộc chiến Syria lan rộng, vượt ra khỏi các đường biên giới của nước này đương nhiên sẽ vùi dập mọi lực lượng có liên quan. Sẽ chẳng có bất kỳ nước nào được lợi trong viễn cảnh được xem là tồi tệ nhất, đáng sợ nhất này.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc