Hai kẻ thù khó chịu nhất bắt tay nhau - ác mộng đối với Nga

07:22, 19/07/2017
|

(VnMedia) - Nga không tránh khỏi cảm giác lo ngại và bất an khi hai nước láng giềng cũng là hai kẻ thù khó chịu nhất hiện giờ của họ bắt tay nhau phối hợp để thực hiện tham vọng vốn được coi là ác mộng đối với Moscow.

Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili (bên phải) và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố tham vọng gia nhập NATO và EU trong một cuộc họp báo chung
Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili (bên phải) và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố tham vọng gia nhập NATO và EU trong một cuộc họp báo chung

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và người đồng cấp Gruzia Giorgi Margvelashvili hôm qua (18/7) đã nhất trí hợp tác với nhau để cùng thúc đẩy tham vọng gia nhập vào liên minh quân sự NATO và Liên minh Châu Âu (EU). Đây rõ ràng là một thách thức đối với Nga và cũng là viễn cảnh ác mộng đối với Nga.

Cả hai nước cựu Xô-viết - Ukraine và Gruzia đều trải qua các cuộc xung đột trong nội bộ khi giới lãnh đạo của họ tìm cách thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Moscow và chạy theo phương Tây.

"Chúng tôi - Ukraine và Gruzia đã nhất trí cùng nhau đề nghị và cùng tham gia tích cực hơn vào tiến trình hội nhập không gian Châu Âu và Châu Âu-Đại Tây Dương”, Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili phát biểu với báo giới.

“Nền độc lập và dân chủ của hai nước đều đối mặt với những mối đe dọa giống nhau”, Nhà lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko cho biết ở Tbilisi, đồng thời thêm rằng Ukraine và Gruzia sẽ “phối hợp các bước đi” nhằm thực hiện tham vọng gia nhập NATO và EU.

Tuy nhiên, dường như có ít khả năng và triển vọng để cả Ukraine và Gruzia có thể thực hiện được tham vọng gia nhập vào gia đình Châu Âu bởi các đồng minh phương Tây của họ thực sự e ngại viễn cảnh leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga. Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.

Trong khi đó, với Gruzia, chính quyền Tbilisi từng phát động một cuộc tấn công vào Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này vào năm 2008. Nga đã đưa quân vào đánh đuổi binh lính Gruzia ra khỏi Nam Ossetia, gây ra một cuộc chiến tranh ngắn kéo dài 5 ngày giữa Nga và Gruzia. Moscow sau đó đã công nhận nền độc lập của Nam Ossetia, cùng với một tỉnh ly khai khác của Gruzia là Abkhazia. Tbilisi cáo buộc Nga đã kích động ra cuộc xung đột này. Kể từ khi Nga công nhận nền độc lập của các khu vực trên, Nga và Gruzia đã cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao.

Sau khi quay lưng với Nga, cả Kiev và Tbilisi đều đặt mục tiêu dài hạn là gia nhập vào liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo và Liên minh Châu Âu. Mục tiêu này gây lo ngại sâu sắc đối với Nga. Moscow tin rằng, phương Tây đang lôi kéo các nước láng giềng xung quanh Nga để tạo vòng vây kìm kẹp họ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc