Vừa khen Trung Quốc, Mỹ ngay lập tức tung cảnh báo sắc lạnh

13:44, 05/06/2017
|

(VnMedia) - Mỹ được khích lệ trước các nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hồi cuối tuần vừa rồi đã cho biết như vậy.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis

Phát biểu trên của ông Mattis được đưa ra trong cuộc Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore hồi cuối tuần. Nó cho thấy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách cân bằng giữa việc phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong mục tiêu kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong khi vẫn gây sức ép mạnh mẽ với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Các đồng minh của Mỹ đã lo lắng khi chứng kiến Washington nỗ lực “ve vãn” Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác của nước này trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên. Họ lo ngại Mỹ có thể cho phép Trung Quốc hoạt động tự do hơn ở các nơi khác trong khu vực để đổi lấy việc Bắc Kinh tích cực tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên.

Một số đồng minh của Mỹ cũng quan ngại việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận khí hậu toàn cầu Paris là dấu hiệu cho thấy vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang suy giảm.

Phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh quan trọng của Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định, Mỹ vẫn cam kết đầy đủ với các đối tác. "Dù thích hay không, chúng tôi vẫn là một phần của thế giới… Thế giới sẽ tiêu điều nếu tất cả chúng ta đều rút vào bên trong biên giới của đất nước mình”, ông Mattis nói.

"Một khi chúng ta đã cạn kiệt mọi sự lựa chọn có thể, người Mỹ sẽ làm điều đúng đắn. Vì thế, chúng tôi sẽ vẫn ở đó và chúng tôi sẽ vẫn ở đó với các bạn ”, ông Mattis phát biểu.

Tuy nhiên, đảo ngược hoặc làm trì hoãn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã trở thành ưu tiên an ninh hàng đầu của Washington trong thời điểm này trong bối cảnh Bình Nhưỡng thề sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép mạnh mẽ cho Trung Quốc để buộc nước này dùng ảnh hưởng của họ nhằm kiềm chế nước láng giềng cũng là đồng minh. Mỹ cảnh báo để mọi sự lựa chọn trên bàn nếu Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

"Chính quyền của Tổng thống Trump được khích lệ trước cam kết mới của Trung Quốc trong việc phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, ông Mattis cho hay.

Tuy nhiên, ngay sau khi dành lời khen cho Trung Quốc, Bộ trưởng Mattis cũng nhanh chóng cảnh báo, sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên không đồng nghĩa với việc Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Mattis tuyên bố, Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc đặt vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông. “Chúng tôi phản đối các nước quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá trong khu vực. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi đơn phương mang tính ép buộc đối với hiện trạng hiện nay”.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Tình hình Biển Đông đang “nóng như lửa” khi Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đáng chú ý hơn là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Âm mưu của Trung Quốc là dùng những công trình bất hợp pháp này để đặt mọi sự đã rồi và từ đó đòi chủ quyền đối với những khu vực vốn không thuộc của họ. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trước tham vọng của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đang ra sức ngăn cản. Mỹ đang ngày một tích cực trong các hoạt động nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc có thể độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc