Giật mình tin Triều Tiên có thể biến siêu vũ khí Mỹ thành "sắt vụn"

07:12, 05/05/2017
|

(VnMedia) - Mỹ đang dựng trên lãnh thổ Hàn Quốc một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân có sức mạnh khiến cả Nga và Trung Quốc đều nể sợ. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, Triều Tiên có thể biến thứ vũ khí đầy uy lực đó thành “sắt vụn”.

Mỹ dựng hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên
Mỹ dựng hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên

Theo một bản báo cáo gây sốc của Quốc hội Mỹ, việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên đất Hàn Quốc đã thúc đẩy Bình Nhưỡng chế tạo ra những tên lửa đạn đạo có mục đích cụ thể là nhằm vô hiệu hóa các năng lực của THAAD.

Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho hay, Triều Tiên đã chế tạo ra các tên lửa có thể xuyên vào những góc mà THAAD không thể đánh chặn. Một khi những tên lửa đạn đạo đó quay trở lại khí quyển của Trái đất, các đầu đạn hạt nhân gắn trên nó có thể bay ở những góc dốc và di chuyển với trường vận tốc cao hơn, thu được nhiều lực hút của trái đất hơn.

Bước cải tiến mới nói trên trong tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể khiến tên lửa của họ “khó bị đánh chặn bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa hơn”, bản báo cáo cho biết.

Hơn nữa, “Triều Tiên đã thể hiện được khả năng phóng tên lửa theo loạt”, nghĩa là một loạt tên lửa được bắn đi mà hầu như không có “thời gian chết”. Năng lực này cũng là một thách thức khác đối với hệ thống THAAD bởi lá chắn tên lửa có thể sẽ không xoay sở được khi tên lửa được phóng đi theo loạt.

Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên trong ít nhất hai năm qua cũng đang tiến hành thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm và những loại tên lửa này có thể rơi ở bên ngoài tầm radar của hệ thống THAAD, khiến hệ thống vũ khí của Mỹ cũng không thể làm gì được với tên lửa của Triều Tiên.

Trong khi một số người vẫn còn nghi ngờ rằng những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên chỉ là cách để nước này thu hút sự chú ý và gây sóng gió trong khu vực thì bản báo cáo của Quốc hội Mỹ nhấn mạnh các vụ thử của Triều Tiên trên thực tế có thể “nhằm để tăng cường sự đáng tin cậy, hiệu quả và khả năng sống sót của lực lượng tên lửa đạn đạo của họ”.

Ví dụ như vụ thử tên lửa hồi cuối tuần vừa rồi của Triều Tiên đã được nhanh chóng kết luận là một vụ thử thất bại. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Hàn Quốc không đồng ý với kết luận trên. Thay vào đó, họ tin rằng, cái gọi là vụ thử thất bại đó thực là là một hành động cố tình nhằm “phát triển một vũ khí hạt nhân khác hoàn toàn với những vũ khí đang có” trong kho vũ khí của Triều Tiên.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính, Triều Tiên đang có trong tay từ một đến hai vũ khí hạt nhân nhưng nhà vật lý hạt nhân David Albright cho rằng, con số đó hiện nay phải là khoảng 30 và sẽ phát triển thành 60 vào cuối thập kỷ này.

“Những năm qua đã chứng kiến Triều Tiên tăng cường hoạt động phát triển năng lực vũ khí hạt nhân một cách công khai và mạnh mẽ”, ông Albright cho biết trong cuộc họp báo gần đây.

Triều Tiên từ năm ngoái đến năm nay liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Đỉnh điểm là riêng trong năm 2016, nước này đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Tổ hợp phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km, đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Cả Nga và Trung Quốc đều e ngại hệ thống THAAD của Mỹ. Moscow và Bắc Kinh sợ rằng hệ thống đó sẽ làm phương hại đến năng lực răn đe của họ cũng như phá vỡ thế cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc