Trung Quốc bỏ mặc Triều Tiên giữa vòng vây hỏa lực Mỹ?

16:18, 14/04/2017
|

(VnMedia) - Gần đây, ngày càng có nhiều nhà ngoại giao và bình luận quân sự Trung Quốc đưa ra phát biểu ám chỉ Bắc Kinh không có nghĩa vụ phải bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin. Thực tế này khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh Trung Quốc sẽ bỏ mặc đồng minh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những phát biểu ám chỉ Trung Quốc không bảo vệ Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa cảnh báo sẽ tấn công Triều Tiên. Hiện tại, Mỹ đã bố trí hai tàu khu trục ở trong khu vực có thể phóng đi các tên lửa Tomahawk bất kỳ lúc nào, giới chức tình báo Mỹ tiết lộ với hãng tin NBC News. Ngoài ra, các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ ở Guam lúc nào cũng có thể xuất kích đi hậu thuẫn cho một cuộc tấn công như vậy nếu lệnh được phát ra.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công vào Syria, Mỹ cũng đã nhanh chóng điều một nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson chỉ huy đến bán đảo Triều Tiên.

Giới chức Mỹ vừa cho biết, Washington đã chuẩn bị sẵn sàng dùng vũ khí thông thường tấn công Triều Tiên nếu siêu cường số 1 thế giới cảm thấy rằng Bình Nhưỡng sắp “bấm nút” tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6.

Bình Nhưỡng và Washington đang bên bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang và nếu Mỹ tung đòn phủ đầu thì Triều Tiên sẽ phát động cuộc tấn công vào nước láng giềng Hàn Quốc. Viễn cảnh này đang ngày một đến gần khi cả Mỹ và Triều Tiên đều tỏ ra cứng rắn, không chịu lùi bước.

Trong bối cảnh đáng lo ngại như trên, báo chí Trung Quốc và thậm chí một số website chính thức của chính phủ Trung Quốc gần đây đã có những bài viết nói rằng, trong tình hình hiện nay, ngày càng có ít lựa chọn để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Phát biểu này dường như ám chỉ Bắc Kinh có thể chấp nhận giải pháp quân sự.

Lập trường trên đã có từ trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida hồi tuần trước. Điều này chứng minh rằng, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với đồng minh Bình Nhưỡng không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi Washington.

Về mặt văn bản chính thức, Trung Quốc là đồng minh quân sự duy nhất của Triều Tiên theo Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau mà hai nước ký năm 1961. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trên thực tế, những nghĩa vụ đó không còn tồn tại. Lý do là tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tạo nên tiêu điểm căng thẳng ở gần biên giới của Trung Quốc.

"Bất chấp sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Triều Tiên trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong tình hình hiện nay, Bắc Kinh sẽ phải ưu tiên cho an ninh quốc gia hơn là hệ tư tưởng", ông Andrei Karneyev – Phó Giám đốc Viện Các nước Châu Á và Châu Phi ở trường Đại học Quốc gia Moscow, đã nhận định như vậy.

Theo vị chuyên gia của Nga, sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng không liên quan gì đến áp lực từ Washington mà là vì lý do an ninh của chính Trung Quốc.

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn được đặt ra là: Trung Quốc sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự nhằm vào Triều Tiên?

Nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải - ông Ni Lexiong cho tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam biết, Bắc Kinh sẽ cần phải trợ giúp quân sự cho nước láng giềng nếu Mỹ phát động một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng vi phạm hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc là “một lý do mạnh mẽ” để Trung Quốc không ra tay cứu giúp.

Tuy nhiên, theo ông Zhan Debin - một chuyên gia đến từ trường Ngoại thương Thượng Hải, có ít khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. "Mỹ không thể tự mình phát động một cuộc tấn công vào Triều Tiên. Một cuộc tấn công chỉ có thể xảy ra nếu Bình Nhưỡng có hành động làm phương hại đến các lợi ích an ninh then chốt của Washington và Seoul”.

Ông Zhan tin rằng, hoạt động triển khai quân sự của Mỹ đến bán đảo Triều Tiên chủ yếu chỉ là mang tính cảnh báo đối với Bình Nhưỡng. Khả năng xảy ra xung đột dù là nhỏ giữa Mỹ và Triều Tiên là rất thấp bởi bất kỳ cuộc xung đột nhỏ nào cũng dễ dàng bùng phát thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn – điều mà cả Washington và Bình Nhưỡng đều không muốn.

Bình luận về hành động của Trung Quốc trong một cuộc đối đầu giả định, chuyên gia Zhan cho rằng, Bắc Kinh sẽ không tham gia nếu Bình Nhưỡng châm ngòi cho cuộc xung đột đó. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình hình bất ổn trong khu vực. "Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ cố tìm cách ngăn chặn không để cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh. Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cũng như không cung cấp sự trợ giúp về mặt quân sự hay tham chiến vào cuộc xung đột đó”, ông Zhan nhấn mạnh.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc