Nga-Trung có phương sách gì đối phó với THAAD của Mỹ?

15:15, 01/04/2017
|

Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Nga và Trung Quốc sẽ làm gì để đối phó “cứng rắn” như đã từng tuyên bố?

Nga có thực sự lo ngại THAAD?

Tháng 1/2017, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc và Nga đã đồng ý với những giải pháp quân sự cứng rắn nhằm phản ứng với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

 

Nhưng sớm hơn dự đoán, Washington và Seoul đã bắt tay triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc. Giới quan sát đang theo dõi những giải pháp cứng rắn mà Bắc Kinh và Moscow đề cập tới sẽ bao gồm những gì và được tiến hành như thế nào.

Cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phản đối kể từ khi Mỹ đưa ra kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc cho tới khi Lầu Năm Góc và Seoul bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch trên.

Việc Nhà Trắng triển khai THAAD tại Hàn Quốc có những ý nghĩa khác nhau đối với Nga và Trung Quốc.

Sự ảnh hưởng của THAAD với Moscow là không đáng kể, vì hệ thống này được thiết kế nhằm đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung. Nga lại không có loại tên lửa này do năm 1987, Liên bang Xô viết và Mỹ đã ký Hiệp định về vũ khí hạt nhân tầm trung (IRNFT).

Nhưng đó không hoàn toàn là lý do, sở dĩ THAAD không khiến Moscow lo ngại bởi Nga có những hệ thống phòng thủ tên lửa thậm chí còn mạnh hơn cả THAAD. Nếu hệ thống THAAD được nâng cấp với những loại tên lửa có uy lực mạnh mẽ hơn thì Washington vẫn không tạo ra mối đe dọa đối với lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Vì thế, Nga phản đối Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc phần lớn không phải vì những nguy cơ mất an ninh mà vì những mục tiêu chiến lược cơ bản của Moscow. Nếu hệ thống phức hợp THAAD tại Hàn Quốc được kiểm soát bởi quân đội Hàn Quốc chứ không phải Mỹ thì nhiều khả năng điện Kremlin sẽ không phản đối hệ thống này.

Mỹ triển khai THAAD chỉ để bảo vệ đồng minh?

Khi Mỹ quyết định đưa THAAD tới Hàn Quốc, Lầu Năm Góc khẳng định rằng đó là hành động nhằm bảo vệ đồng minh Seoul trước những nguy cơ từ chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Washington không thực sự làm điều đó chỉ vì một mục đích bảo vệ đồng minh. Động cơ chính của Washington trong việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là những thứ mà Nhà Trắng tuyên bố.

Thông qua hệ thống radar tối tân của THAAD, Mỹ muốn tăng cường khả năng giám sát tại khu vực đông bắc Trung Quốc, nơi có các căn cứ của Bắc Kinh chứa tên lửa đạn đạo, gồm cả các loại tên lửa tầm trung. Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc cũng có thể được phóng từ đây hướng về phía Mỹ, đó là một mối đe dọa rõ ràng với Washington.

Chính vì nhận thấy động cơ đó, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng gay gắt hơn nhiều lần so với Nga. Bắc Kinh lập tức “trả đũa” Seoul thông qua con đường thương mại và liên tục đấu tranh bằng con đường ngoại giao, kêu gọi Mỹ ngừng kế hoạch triển khai THAAD.

Qua những phân tích trên, ta thấy rằng sẽ không quá lạ lẫm nếu Bắc Kinh phản ứng cứng rắn hơn Moscow với sự bắt tay của Mỹ-Hàn trong kế hoạch triển khai THAAD. Vậy Bắc Kinh và Moscow sẽ làm gì tiếp theo?

Hành động của Trung Quốc và Nga

Theo RBTH, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ xây dựng những biệt đội chuyên có nhiệm vụ phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa ở bán đảo Triều Tiên.

Công cụ có thể giúp Trung Quốc trong cuộc tấn công nói trên sẽ là tên lửa hành trình, bởi THAAD không thể đánh chặn chúng, đặc biệt là trong trường hợp diễn ra một trận đánh lớn. Khi ấy, lựa chọn rõ ràng của Trung Quốc có thể là tên lửa DF-10, được triển khai tại bán đảo Sơn Đông. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng những phương tiện kỹ thuật nhằm tăng cường thông tin tình báo về vị trí triển khai THAAD.

Còn với Nga, không giống như Trung Quốc, điện Kremlin không thể công khai cho triển khai tên lửa hành trình tầm trung trên đất liền vì sẽ vi phạm hiệp định đã ký với Mỹ.

Tuy nhiên, các tàu chiến mới của Nga đã được trang bị tên lửa hành trình Club (Kalibr) với tầm bắn trên 2.000km. Những hệ thống phức hợp này đã được thử nghiệm thành công tại cuộc chiến ở Syria. Việc đóng các tàu này cho hạm đội tàu Nga Thái Bình Dương đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi có kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc.

Vào tháng 1/2016, Moscow đã tiết lộ kế hoạch xây dựng loạt 6 tàu ngầm diesel-điện thuộc đề án 636.3 lớp Kilo đóng cho Hạm đội Biển Đen tại Vladivostok. Những con tàu này có thể mang tên lửa Club và cũng đã được thử nghiệm ở chiến dịch quân sự tại Syria.

Hạm đội được cho là sẽ sử dụng thêm các tàu khác để mang theo tên lửa Club, gồm cả tàu hộ tống Karakurt hiện đang được đóng.

Có lẽ những hạm đội nói trên sẽ là câu trả lời của Moscow đối với THAAD, dù tất cả các biện pháp trên cho tới nay đã được triển khai trong thực tế.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng sẽ tiến hành triển khai các đợt tập trận quân sự chung và có khả năng sẽ hợp tác trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật để theo dõi hiệu quả hơn vị trí và phương thức hoạt động của THAAD.

Theo Người đưa tin


Ý kiến bạn đọc