Việt Nam lần đầu đăng cai Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc

08:48, 10/03/2017
|

(VnMedia) - Từ ngày 7-9/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) tổ chức Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á - Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) trong lĩnh vực phát triển bền vững quy mô lớn với ba Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế- Xã hội (ECOSOC), Tổng thư ký ESCAP, Tổng thư ký UNCTAD, Đặc phái viên của Đại hội đồng LHQ, Phó Chủ tịch ADB, Chủ tịch AIIB, TTK Tổ chức Hải quan Quốc tế (WCO).

Hội nghị đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc và năm thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế- Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Tham dự Hội nghị có khoảng 200 đại biểu từ hơn 40 nước và 28 tổ chức quốc tế bao gồm đại biểu từ các nước không có biển và trung chuyển khu vực Á, Âu, Phi... một số cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng hàng đầu thế giới và các Bộ, ban, ngành địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu khai mạc Hội nghị. Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ các nước thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia hiệu quảcác cơ chế đa phương và khu vực, đặc biệt các kết nối hạ tầng và kinh tế với các nước láng giềng, đặc biệt là với Lào - nước láng giềng không có biển, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.

Hội nghị đánh giá việc Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTFA) đi vào hiệu lực sẽ mang lại lợi ích tiềm năng to lớn cho các nước đang phát triển không có biển trong việc giảm chi phí thương mại và tăng cường hợp tác với các nước trung chuyển láng giềng. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép Chương trình hành động Viên và Chương trình nghị sự 2030 vào các kế hoạch, chiến lược và ngân sách quốc gia đẻ bảo đảm hiệu quả thực hiện.

Hội nghị cho rằng việc hợp tác giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thiết lập hệ thống vận tải trung chuyển và cơ sở hạ tầng chất lượng, hiệu quả, đáng tin cậy và an toàn. Các đại biểu cũng cho rằng cần cải thiện các cơ sở pháp lý, hài hoá hoá các thủ tục hải quan và kiểm soát biên giới để thúc đẩy thương mại trung chuyển. Đồng thời, cần tăng cường các hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho các sáng kiến hợp tác song phương và khu vực của các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể thúc đẩy hợp tác tạo thuận lợi hóa thương mại, trung chuyển nhằm hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030. Các khuyến nghị này sẽ được chuyển đến Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc thảo luận về Mục tiêu số 9 Phát triển bền vững.

Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tích cực phối hợp với Cơ quan đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) xây dựng nội dung và chương trình nghị sự của Hội nghị một cách phù hợp và thiết thực với tình hình các nước không có biển và trung chuyển. Các đại biểu từ các cơ quan của Việt Nam đã tham gia hầu hết các phiên thảo luận, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực từ thực hiện mục tiêu SDG đến phát triển hạ tầng kết nối, hài hòa hoá thủ tục hải quan, tăng cường quan hệ đối tác.... Các đại biểu quốc tế đánh giá cao những thành tựu của chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua, đặc biệt là quá trình thúc đẩy thương mại, hội nhập, liên kết khu vực.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc