Trump phá hủy di sản của Obama bất chấp tỉ lệ ủng hộ tụt thê thảm

10:51, 29/03/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định được đưa ra từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhằm cắt giảm khí thải carbon, tuyên bố sẽ thiết lập sự độc lập cho ngành năng lượng trong nước và đưa các thợ mỏ quay trở lại làm việc. Động thái của ông Trump được ngành năng lượng Mỹ hoan nghênh nhưng lại bị chỉ trích kịch liệt bởi các nhà hoạt động môi trường và những người dân Mỹ ủng hộ chính sách bảo vệ môi trường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định được đưa ra từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhằm cắt giảm khí thải carbon.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu được đưa ra từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama

“Chính quyền của tôi đã chấm dứt cuộc chiến than đá”, ông Trump tuyên bố đồng thời nói thêm rằng ông muốn “cắt đứt sự can thiệp của chính phủ và bãi bỏ các quy định cướp đi việc làm của người dân”

“Tôi đã cam kết và tôi sẽ giữ lời hứa”, Tổng thống Trump đã nói như vậy với một đoàn đại biểu đại diện cho các thợ mở trên khắp nước Mỹ. Những người này đã đứng đằng sau Nhà lãnh đạo nước Mỹ khi ông này ký quyết định bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu thời ông Obama.

“Chúng ta đang chấm dứt tình trạng sự thịnh vượng của nước Mỹ bị cướp đi và chúng ta đang xây dựng lại đất nước thân yêu của mình”, ông Trump phát biểu trong tiếng vỗ tay của những người ủng hộ ông.

Sắc lệnh vừa được Tổng thống Trump ký nhằm vào Kế hoạch Năng lượng Sạch được đưa ra từ thời ông Obama. Kế hoạch này đưa ra quy định nghiêm ngặt giới hạn khí thải nhà kính đối với các nhà máy năng lượng.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng dỡ bỏ lệnh cấm khai thác than đá trên đất của liên bang mà ông Obama áp đặt từ năm 2016, xóa bỏ những ngôn từ dùng trong các quy định của liên bang về “hậu quả xã hội” của khí thải nhà kính đồng thời hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Obama coi việc đối phó với biến đổi khí hậu như một vấn đề an ninh quốc gia.

Chính quyền của ông Trump cho rằng, những quy định về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm là một chướng ngại vật đối với sự phát triển của ngành năng lượng, cụ thể là ngành công nghiệp khai thác than đá và dầu mỏ, của Mỹ.

Tổng thống Trump tin rằng, việc ông hủy bỏ di sản của người tiền nhiệm Obama là một bước đi lịch sử nhằm dỡ bỏ rào cản đối với ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ, xóa bỏ sự can thiệp của chính phủ vào ngành này và đưa việc làm quay trở lại cho nhiều người dân Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định của ông Trump khiến người ta hoài nghi về cam kết của Mỹ trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu – một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay.

Động thái gây tranh cãi trên của Tổng thống Trump đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ ông này tiếp tục sụt giảm và đã đi vào lịch sử nước Mỹ như là nhà lãnh đạo đầu tiên ít được người dân ủng hộ nhất trong 60 ngày đầu tiên nhậm chức.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Gallup vừa được công bố hồi cuối tuần vừa rồi, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama trong hai tháng đầu tiên nhậm chức chỉ đạt 40% trong khi có đến 54% người dân Mỹ phản đối ông. Đây là mức thấp kỷ lục. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một tổng thống nào lại nhận được sự ủng hộ thấp như vậy trong 60 ngày đầu tiên nhậm chức.

Kể từ khi Gallup tiến hành thăm dò về uy tín của các tổng thống trong những ngày đầu nhậm chức, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Dwight Eisenhower, xu hướng chung là các tổng thống đều được hưởng một thời kỳ trăng mật ngọt ngào với tỉ lệ ủng hộ cao trong những ngày đầu nhậm chức. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có vẻ là trường hợp ngoại lệ. Ông này dường như không được hưởng bất kỳ thời gian trăng mật nào khi bước vào Nhà Trắng.

Tổng thống Trump được dự đoán là sẽ tiếp tục đi theo con đường lập kỷ lục về tỉ lệ ủng hộ thấp trong 100 ngày đầu nhậm chức khi rất nhiều người trên khắp thế giới đang đánh cược về việc ông sẽ bị luận tội hoặc bị lật đổ ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Hai tháng đầu tiên với tư cách là Tổng Tư lệnh tối cao của nước Mỹ, ông Trump bị bủa vây, mắc kẹt trong những lời cam kết mà ông đưa ra khi vận động tranh cử nhưng lại chưa thể thực hiện khi nhậm chức, tiếp đó là scandal liên quan đến mối quan hệ của ông này với điện Kremlin và những vấn đề gây chia rẽ mà ông muốn làm như dựng lên một bức tường ở giữa biên giới Mỹ với Mexico có chi phí lên tới 20 tỉ USD.

Không rõ tỉ lệ ủng hộ ông Trump còn tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới hay không. Tuy nhiên, thất bại của Đảng Cộng hòa trong việc hủy bỏ dự luật y tế Obamacare có thể là cú huých đẩy tỉ lệ ủng hộ ông Trump tiếp tục lao dốc bởi việc cải tổ hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ là một trong những cam kết then chốt mang đến thành công cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, dù tỉ lệ ủng hộ ông Trump thấp thì điều đó không có nghĩa là ông sẽ bị truất quyền. Một tổng thống chỉ có thể bị luận tội nếu Thượng viện phát hiện ông này mắc tội “phản bội, tham ô, hối lộ hoặc những tội nghiêm trọng khác".

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc