Nga miệt mài giúp Syria "đánh địch", Trung Quốc hưởng lợi?

10:53, 14/03/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Bashar al-Assad mới đây tuyên bố, Trung Quốc có thể tham gia vào quá trình tái thiết trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế Syria khi nước này bắt đầu chương trình tái thiết toàn diện đất nước sau 6 năm nội chiến dai dẳng.

Trung Quốc được chào đón tham gia vào quá trình tái thiết đất nước Syria
Trung Quốc được chào đón tham gia vào quá trình tái thiết đất nước Syria

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Phoenix của Trung Quốc hồi cuối tuần, khi đề cập đến các lĩnh vực Trung Quốc có thể tham gia tái thiết ở Syria, Tổng thống Assad đã nói: "Trong lĩnh vực nào ư? Trong tất cả lĩnh vực. Ý tôi là Trung Quốc có thể tham gia vào mọi lĩnh vực mà không có ngoại lệ, bởi chúng tôi đã bị tàn phá trong tất cả các lĩnh vực”.

Theo lời Nhà lãnh đạo Syria, các chuyên gia Trung Quốc đã có mặt và đang làm việc tại quốc gia Trung Đông. Cụ thể, nhiều chuyên gia Trung Quốc đang làm việc trong lĩnh vực tái thiết khu vực thành thị và đây là ưu tiên chính cho các dự án trong tương lai. Những ưu tiên khác được đặt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các nhà máy điện, năng lượng, nước, vệ sinh, ông Assad cho hay.

Chính quyền Syria đang lên kế hoạch khởi động tiến trình tái thiết toàn diện đất nước, sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được thông qua hồi cuối năm ngoái cũng như sau khi quân đội giành chiến thắng mang tính quyết định ở chiến trường Aleppo. Một kế hoạch tái thiết thành phố Aleppo đã được phác thảo hồi tháng Một. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục cũng như tăng cường an ninh.

Liên Hợp Quốc cũng tham gia vào tiến trình nói trên với các dự án cung cấp cơ sở hạ tầng tối thiểu và nơi cư trú tạm thời cho người dân Syria.

Những phát biểu mới nhất của ông Assad cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Syria và Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Phoenix, Tổng thống Assad cũng khẳng định, mối quan hệ Syria-Trung Quốc đang được tăng cường bởi Trung Quốc là “một người bạn thực sự” mà Damascus có thể dựa vào.

Lâu nay, người ta vẫn biết đến Nga và Iran là hai đồng minh thân thiết nhất, gắn bó nhất và cũng là mạnh nhất của chính quyền Damascus. Cả Moscow và Tehran đều đang hậu thuẫn tích cực và hiệu quả cho quân đội của ông Assad trong cuộc chiến chống phe nổi dậy và chống khủng bố. Trung Quốc dù giữ quan hệ khá tốt đẹp với Syria nhưng ít được nhắc đến. Việc ông Assad công khai mở rộng vòng tay đón chào Trung Quốc tham gia vào các dự án tái thiết đất nước và những phát biểu nồng ấm của ông này về mối quan hệ Syria-Trung Quốc cho thấy Damascus đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình đất nước Syria nói riêng và tình hình địa chính trị xung quanh Syria nói chung đang có nhiều sự thay đổi.

Tổng thống Assad đã đề cập đến sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Damascus, trong đó có việc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết hồi tháng trước nhằm chặn một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Syria vì cáo buộc quân đội sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

“Khi dùng quyền phủ quyết, Trung Quốc trước hết là đã bảo vệ hiến chương Liên Hợp Quốc bởi Liên Hợp Quốc được thiết lập ra để khôi phục sự ổn định trên thế giới”, ông Assad nói đồng thời thêm rằng việc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết đã giúp tạo ra sự ổn định và “cân bằng chính trị” đối với phương Tây. Điều này đem lại lợi ích cho các nước nhỏ và yếu.

Syria cho biết, đã có sự hợp tác “vô cùng quan trọng” giữa tình báo Syria và Trung Quốc trong lĩnh vực chống khủng bố.

Trung Quốc và Syria còn có mối quan hệ hợp tác thương mại lâu dài và tương đối lớn. Trung Quốc vẫn duy trì Đại sứ quán của nước này ở Damascus trong suốt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria. Cho đến gần đây, sự tham gia của Trung Quốc vào Syria mới chỉ tập trung phần lớn vào việc giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình. Bắc Kinh duy trì lập trường công khai là “không can thiệp” vào tình hình nội bộ đất nước Syria.

Tuy nhiên, hồi năm ngoái, mọi việc bắt đầu thay đổi khi một Chuẩn Đô đốc của Hải quân Trung Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức đến Damascus và đưa ra cam kết giúp Syria đào tạo, huấn luyện quân sự cũng như một vài hỗ trợ khác. Giới chuyên gia tin rằng, Trung Quốc đang hy vọng giành được một vai trò nổi bật hơn trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Với việc Trung Quốc được mời tham gia tiến trình tái thiết Syria, có vẻ như Trung Quốc lại được lợi dù không cần “miệt mài” giúp Damascus như Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc