Đức bất ngờ "khiêu chiến" với "bạn thân" Nga?

16:33, 03/03/2017
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm qua (2/3) đã lên tiếng chỉ trích việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực biên giới với các nước Baltic đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lực lượng Đức trong khu vực chừng nào còn cần.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel

Ông Gabriel đã đến thăm khoảng 400 binh sĩ Đức đang đóng tại Rukla, Lithuania. Đây là một phần trong đội quân chiến đấu gồm 1.000 người do Đức chỉ huy. Lực lượng này sau đó sẽ được kết hợp với đội quân do Mỹ chỉ huy đóng tại Ba Lan, đội quân do Anh chỉ huy đóng tại Estonia và đội quân do Canada chỉ huy đóng tại Latvia tạo thành một lực lượng phản ứng nhanh của NATO nhằm răn đe Nga.

NATO đang mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực lên mức độ chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Sự hiện diện của NATO sẽ phình lên thêm nữa khi liên minh này tiến hành tập trận quân sự trong mùa hè sắp tới. Tuy vậy, đội quân của NATO vẫn chưa là gì so với lực lượng quân sự mà Nga tăng cường ở các khu vực biên giới, giới chức Mỹ cho hay.

"Tiềm năng quân sự mà Liên bang Nga thiết lập ở khu vực biên giới theo quan điểm của tôi là hoàn toàn không hợp lý bởi mối đe dọa xuất phát từ các nước trong khu vực ở đây là con số 0”, Ngoại trưởng Đức Gabriel đã nói như vậy với giới phóng viên.

Ông Gabriel không cung cấp thêm thông tin chi tiết nhưng tuyên bố lực lượng quân sự Đức sẽ tiếp tục đóng tại căn cứ Lithuanian "chừng nào còn cần".

Nga cho biết nước này đã phát hiện các binh sĩ Đức được triển khai đến biên giới của họ lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Moscow coi hoạt động triển khai binh sĩ và vũ khí hạng nặng của NATO đến các nước Baltic là một mối đe dọa.

Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã rạn nứt nghiêm trọng kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Đức hiện đang dẫn đầu một liên minh chống Nga mạnh mẽ. Tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Đức về hoạt động triển khai quân chắc chắn sẽ khiến Moscow tức giận.

Moscow miêu tả hoạt động triển khai quân sự của họ ở khu vực biên giới chỉ là biện pháp phòng thủ và là một sự đáp trả trực tiếp đối với NATO.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw hồi tháng Bảy năm ngoái, các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhất trí về kế hoạch triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến khu vực Đông Âu. Cụ thể, sẽ có 4 tiểu đoàn đa quốc gia được đưa đến các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Hồi tháng Một, 2.800 vũ khí hạng nặng của Mỹ bao gồm xe tăng Abrams, khẩu pháo Paladin, phương tiện chiến đấu Bradley và 4.000 binh sĩ Mỹ được đưa đến Châu Âu. Lực lượng này đã đến Ba Lan tập trận hồi cuối tháng Một trước khi được triển khai tới 7 nước gồm các quốc gia Baltic, Bulgaria, Rumani và Đức. Đức, Canada và Anh cũng đóng góp vào kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu.

Trong khi các nước thành viên NATO tiếp tục đưa ra lý do về sự “gây hấn, xâm lược của Nga” làm cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực thì Nga luôn bác bỏ cáo buộc này. Moscow chỉ trích kịch liệt các hoạt động quân sự của NATO ở xung quanh biên giới của họ, nói rằng diễn biến đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ việc đáng tiếc và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Đồng thời, phương Tây cũng bị cáo buộc thổi phồng về mối đe dọa mang tên Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga đang lao vào một cuộc đua vũ trang nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho chính họ.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc