Nga thử vũ khí mới ở điều kiện khắc nghiệt chưa từng có

10:43, 06/02/2017
|

(VnMedia) - Các chuyên gia Cục Thiết giáp thuộc Bộ Quốc phòng và đại diện ngành công nghiệp nước này sẽ tiến hành thử nghiệm một loạt vũ khí và trang bị quân sự mới ở Bắc Cực vào giữa tháng 2 này. Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Quốc phòng Nga – Đại tướng Dmitry Bulgakov đưa ra hôm qua (5/2).

Đại tướng Bulgakov nói với phóng viên tại một cuộc họp báo rằng: “Đây không phải là cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành tại Bắc Cực, nhưng đây sẽ là lần thử nghiệm cần thiết để có thể vượt qua một tuyến đường khó khăn nhất trong thời gian ngắn nhất có thể, từ khu vực Tiksi (thuộc nước cộng hòa Sakha) và vượt qua lớp băng trên Biển Laptev bằng các xe trượt tuyết và vượt đầm lầy”.

Theo ông, các trang thiết bị và binh lính tham gia thử nghiệm đã được đưa tới Tiksi bằng máy bay vận tải quân sự để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm tới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong cuộc hành quân dài khoảng 2.000km này, các giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng trên các xe quân sự bánh xích sẽ được đánh giá. Các chuyên gia sẽ duy trì hoạt động ở nhiệt độ thấp, tới -60 độ C, để đảm bảo phương tiện luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nhằm duy trì nhiệt độ trong khoang xe khi di chuyển trên tuyết trong đêm ở địa cực và bão tuyết, với tốc độ gió trên 35m/giây, cũng như những điều kiện khác ở Bắc Cực.

Trong những năm qua, Nga đã tích cực đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế tại vùng lãnh thổ phía bắc của nước này, bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí trong bối cảnh NATO cũng đã tăng cường lợi ích tại khu vực. Với sự phát triển của các tuyến đường phía bắc, một con đường thương mại Á-Âu đã hình thành để phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế và quân sự của Nga tại Bắc Cực.

Năm 2014, chính phủ Nga cũng từng công bố kế hoạch thành lập một cơ quan nhà nước mới tại Bắc Cực, nhằm nhanh chóng triển khai các chính sách kinh tế trong khu vực. Quân đội Nga cũng hình thành các đơn vị riêng biệt tại khu vực này, với mục đích tăng cường bảo vệ biên giới và ngăn chặn sự bành trướng của NATO, trong kế hoạch quân sự kiềm chế Nga của tổ chức do Mỹ dẫn đầu.

Tổ hợp quân sự thống nhất được điều hành bởi một tư lệnh và đóng quân tại Arkhangelsk, sẽ bao gồm Hạm đội Phương Bắc, 2 lữ đoàn Bắc Cực, các lực lượng không quân và đơn vị phòng không cũng được thành lập. Nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí hạng nặng cũng được vận chuyển đến Bắc Cực trong kế hoạch quốc phòng đối đầu với NATO của Moscow. Trong đó có mặt tên lửa đánh chặn Mig-31, máy bay trực thăng chuyên dụng Mi-8, các đợn vị phòng không trên mặt đất Pantsir-S1.

Năm 2015, khoảng 13 hợp đồng của Chính phủ Nga liên quan việc xây dựng các đơn vị đồn trú và sân bay quân sự đang được thực hiện trên đảo Alexandra Land (thuộc quần đảo Franz Josef Land), khu định cư Rogachevo (thuộc quần đảo Novaya Zemlya), đảo Sredny (thuộc quần đảo Severnaya Zemlya), đảo Wrangel và Cape Schmidt (tỉnh Chukotka) và đảo Kotelny (quần đảo Tân Siberia).

Vào cuối năm 2015, Bộ trưởng Shoigu đã từng công bố việc hoàn thành xây dựng bốn căn cứ quân sự ở Bắc Cực và cam kết sẽ tăng cường lực lượng tại đây vào năm 2016.

Ngoài ra, Nga cũng đang tiến hành nhiều quá trình hiện đại hóa các cơ sở quân sự khác tại Bắc Cực, bao gồm cả việc xây dựng mới 10 sân bay quân sự để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015, cùng với 4 sân bay hiện đại, nâng số lượng sân bay ở khu vực này lên con số 14.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng  Nga, ông Dmitry Bulgakov đã từng cho biết, việc khôi phục trở lại 10 sân bay tiến hành từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016. Với 14 sân bay, các hoạt động dân sự và quân sự của Nga ở Bắc Cực sẽ được triển khai dễ dàng hơn.

Ông Dmitry Bulgakov từng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bắt đầu việc xây dựng lại 10 sân bay ở khu vực Bắc Cực trong năm nay. Trước cuối năm 2016, Nga sẽ có tổng cộng 14 sân bay ở Bắc Cực”.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết cơ quan này đang có kế hoạch mở lại cảng hàng không và cảng biển trên quần đảo New Siberian và quần đảo Franz Josef Land trên vùng Bắc Cực.

Bất chấp việc tăng cường quốc phòng ở khu vực này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tái khẳng định, Moscow không có ý định quân sự hóa Bắc Cực, và rằng “tất cả các biện pháp đều chỉ nhằm tăng cường an ninh biên giới của Liên bang Nga”.

Theo giới chức Nga, việc tăng cường quân của Nga ở Bắc Cực nhằm đối phó với những thách thức tiềm năng và các mối đe dọa đối với an ninh Liên bang.

Là một trong số ít những vùng đất “chưa có chủ” trên Trái Đất, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng tranh chấp mới. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canađa và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương. Tuyên bố chủ quyền quốc gia của các nước này có thể dựa vào những luận chứng khác nhau và họ sẵn sàng cho cuộc đấu bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ".

Gần đây, Bắc Cực lại càng trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trên, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.

Ông Bulgakov còn cho biết thêm rằng, các phương tiện trượt tuyết quân sự, xe đặc biệt bánh lốp áp suất thấp trên khung gầm xe địa hình TREKOL và các xe vận tải 2 khoang DT-10PM và DT-30PM cũng sẽ được thử nghiệm tại Bắc Cực.


Ý kiến bạn đọc