Mỹ bất ngờ ra tối hậu thư cho liên minh quân sự mạnh nhất thế giới

11:10, 16/02/2017
|

(VnMedia) - Trong một tối hậu thư được gửi đến đồng minh của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm qua (15/2) đã tuyên bố các nước thành viên NATO từ giờ đến cuối năm phải tăng chi tiêu quốc phòng nếu không muốn đối diện với nguy cơ Mỹ giảm sự hậu thuẫn về an ninh cho họ. Đây được xem là một lời đe dọa sắc lạnh của Mỹ trong bối cảnh Châu Âu ngày càng lo lắng và bất an về triển vọng mối quan hệ Nga-Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis

Trong phát biểu thể hiện sự ủng hộ, đồng lòng với Tổng thống Donald Trump về việc yêu cầu các nước NATO phải chia sẻ nhiều hơn nữa trách nhiệm phòng thủ chung của liên minh, ông chủ Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh rằng, Washington sẽ "giảm bớt cam kết” của nước này với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nếu các nước không chịu chia sẻ thêm gánh nặng ngân sách. Ông Mattis không cho biết thêm chi tiết nhưng chắc chắn các nước Châu Âu cảm nhận rõ áp lực từ Mỹ, đặc biệt là khi mà một vài thành viên NATO đang cảm thấy bị đe dọa bởi Nga.

"Người đóng thuế ở Mỹ không còn có thể gánh vác được phần trách nhiệm chi tiêu quốc phòng bất cân đối để bảo vệ các giá trị phương Tây. Người Mỹ không thể quan tâm cho tương lai an ninh của con cháu các bạn nhiều hơn sự quan tâm của chính các bạn”, ông Mattis đã nói như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng của 27 nước thành viên NATO.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ngày hôm qua (15/2) dường như đã rất quan tâm đến từng lời phát biểu của Bộ trưởng Mattis. Giới chức NATO đã tụ tập xung quanh màn hình ti vi trong cuộc họp của NATO ở Brussels để theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO cũng đã vây quanh ông Mattis khi ông này bước vào cuộc họp.

Lấy lý do là nguy cơ từ Nga, Bộ trưởng Mattis đã nói tại cuộc họp kín của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO rằng, trong năm nay, họ phải phê chuẩn một kế hoạch đặt ra ngày cụ thể để chính phủ các nước thành viên NATO đáp ứng yêu cầu chi 2% GPD cho ngân sách quốc phòng. Ông chủ Lầu Năm Góc miêu tả việc tăng chi tiêu quốc phòng là “một đòi hỏi công bằng” dựa trên “thực tế chính trị” ở Washington. Phát biểu này rõ ràng ám chỉ đến việc ông Trump trước đây từng chỉ trích NATO là một tổ chức lỗi thời cũng như ám chỉ đến chính sách “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi hỏi liên minh NATO phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự nhiều hơn. Thậm chí, ông Trump còn khiến các nước Châu Âu lo lắng, bất an khi thẳng thừng cảnh cáo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên của liên minh không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis không đi xa như ông Trump. Nhà lãnh đạo quân sự Mỹ chỉ tập trung vào lời kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quân sự. Nhiều chính phủ Châu Âu phản đối tăng chi tiêu quân sự bởi nền kinh tế phát triển trì trệ ở đất nước họ đã buộc họ phải thắt chặt chi tiêu trong các lĩnh vực khác.

Mỹ hiện tại là thành viên mạnh nhất của NATO. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại. Năm ngoái, Mỹ đóng góp 3,61% GDP cho ngân sách quốc phòng trong khi Đức chỉ đóng góp 1,19% GDP. 10 nước khác thậm chí còn đóng góp ít hơn và 7 nước, trong đó có Canada, Italia và Tây Ban Nha, sẽ phải tăng gần gấp đôi ngân sách để đạt được mục tiêu đề ra. Luxembourg sẽ phải tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng để đáp ứng mục tiêu.

Khi được đề nghị bình luận về tối hậu thư mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa đưa ra, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, các nước thành viên của liên minh quân sự cần thời gian để phát triển các kế hoạch. Nhiều nước đã nói đến việc tăng đóng góp cho chi tiêu quốc phòng của liên minh.

"Đây không phải là do Mỹ yêu cầu Châu Âu phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tôi hoan nghênh mọi áp lực, mọi sự ủng hộ để đảm bảo điều đó xảy ra”, ông Stoltenberg cho biết, nhấn mạnh rằng cách đây 3 năm, các nước thành viên NATO đã cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập kỷ tới.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc