Xáo trộn lớn trong quân đội Trung Quốc, hàng loạt tướng lĩnh ra đi

10:47, 19/01/2017
|

(VnMedia) - Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc cải tổ đội ngũ tướng lĩnh trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện một cuộc cải tổ quân đội ở quy mô lớn nhằm điều chỉnh năng lực quân sự của họ theo hướng có thể đối phó được với những thách thức địa chính trị đang nổi lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quân đội Trung Quốc đang trải qua một cuộc cải tổ toàn diện trong đội ngũ tướng lĩnh. Gần 50 sĩ quan cấp cao, trong đó có 18 tướng, sẽ sớm phải từ chức, Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam dẫn các nguồn tin quân sự cho hay.

Cụ thể, trong số 18 vị tướng phải ra đi có Đô đốc Sun Jianguo - Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA. "Những sự thay đổi sắp tới là nhằm mục đích đưa một thế hệ sĩ quan mới lên theo hướng các tướng lĩnh kỳ cựu nhường bước cho thế hệ trẻ tài năng lên lãnh đạo quân đội”, các nguồn tin quân sự của Trung Quốc cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tối ưu hóa tính hiệu quả của các lực lượng trong quân đội và tăng cường hỏa lực bằng cách áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực quốc phòng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc mong chờ một sự đột phá trong năng lực quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm kéo dài từ 2016 đến 2020.

Đến cuối năm, Bắc Kinh dự kiến sẽ cắt giảm 300.000 nhân lực trong các lực lượng không chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, PLA sẽ vẫn là quân đội hùng hậu nhất thế giới với quân số lên tới 2 triệu người.

Tính đến đầu năm 2017, Trung Quốc đang có 2,3 triệu binh sĩ trong khi Mỹ có 1,4 triệu; Ấn Độ – 1,3 triệu và Nga 766.000 người. Tổng dân số Trung Quốc là hơn 1,3 tỉ người. Như vậy, lực lượng quân sự Trung Quốc chiếm 0,4% tổng dân số.

Lực lượng tấn công chủ lực của PLA là các lữ đoàn, sư đoàn xe tăng và thiết giáp. Các đơn vị này mới được thành lập gần đây và được cho là sở hữu một số lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự tối tân.

Hiện tại, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các lực lượng không quân, pháo binh và phòng không. Cuộc cải cách này được tiếp sức bởi ngành công nghiệp quốc phòng thông qua việc chế tạo và phát triển gần như tất cả các loại vũ khí, trong đó có những vũ khí tối tân nhất.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang đi từ việc sao chép, copy các vũ khí của Liên Xô và phương Tây đến việc tự phát triển vũ khí theo hướng kết hợp công nghệ nước ngoài với thiết kế trong nước. Các con số nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tiết lộ gót chân Achilles của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Đó là trực thăng và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ sức mạnh hải quân với việc bổ sung hàng loạt tàu chiến hạm nổi và tàu ngầm.

Trung Quốc đã có trong tay chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh và đang thúc đẩy chương trình đóng chiếc tàu sân bay thứ hai.

Bắc Kinh còn đang hướng tới mục tiêu thiết lập cái gọi là “Vạn lý trường thành dưới nước” - một dự án cho phép Trung Quốc phát hiện mọi loại hoạt động ngầm ở biển, cụ thể ở đây là Biển Đông.

Tất cả những hoạt động trên của Trung Quốc được cho là để chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu gay gắt trên nhiều mặt trận, từ thương mại đến tấn công mạng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Châu Á đến Biển Đông.

Bất chấp những thông tin cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để sẵn sàng đấu với Mỹ, nhiều nhà phân tích tin rằng, sẽ không xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp Mỹ-Trung.

Kiệt Linh (theo RIA)


Ý kiến bạn đọc