Chiến đấu cơ Nga "tung hoành" trên bầu trời Trung Quốc

11:06, 10/01/2017
|

(VnMedia) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa xác nhận Bắc Kinh đã nhận được lô chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 Flanker-E từ Nga. Đó là thông tin vừa được tờ Nhật báo Trung Hoa đưa ra hôm qua (9/1).

Trang mạng Flightradar24 cho biết thêm, một máy bay vận tải Ilyushin Il-76 do công ty hàng không Volga-Dnepr của Nga chế tạo đã cất cánh từ thành phố Komsomolsk-on-Amur của Nga tới căn cứ Thương Châu-Thương Huyện ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc.

Trước đó, ngày 25/12/2016, máy bay Ilyushin Il-76 đã đáp xuống căn cứ không quân Toại Khê thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Vào tháng 11/2015, sau 5 năm tiến hành đàm phán liên tiếp, Bắc Kinh xác nhận đã ký một thỏa thuận 2 tỷ USD với Moscow về thương vụ 24 máy bay Su-35. Theo đó, Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên mua được loại chiến đấu cơ này của Nga.

Trong khi đó, theo ông Andreas Rupprecht, tác giả viết 3 cuốn sách về ngành công nghiệp và hàng không Trung Quốc, lợi ích của Bắc Kinh trong thương vụ này gắn liền với mong muốn thu nhận được công nghệ của Moscow.

Tuy nhiên, trang tin Sina của Trung Quốc mới đây cho biết, Su-35 của Nga được trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt, có thể gây rất nhiều khó khăn cho các chuyên gia Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu.

Theo đó, các động cơ Saturn AL-41F1S gắn trên Su-35 đều được phủ một lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu khác. Hệ thống động cơ cũng được "hàn chết", khiến chuyên gia Trung Quốc buộc phải phá hủy toàn toàn bộ động cơ nếu muốn tiếp cận phần lõi bên trong.

Công nghệ này nhiều khả năng là một phần trong nỗ lực của Nga trong việc ngăn chặn Trung Quốc sao chép những công nghệ tối tân như động cơ vectơ lực AL-41F1S, radar Irbis-E và hệ thống tác chiến điện tử trên tiêm kích Su-35. Nga từng cáo buộc Trung Quốc sao chép trái phép tiêm kích Su-27 và tổ hợp phòng không S-300 được nước này chuyển giao trong thập niên 1990.

Su-35, NATO định danh là Flanker-E là phiên bản hiện đại nhất của gia đình Su-27 Flanker. Sukhoi Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất. Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”. Đây cũng là một trong những loại vũ khí được đưa vào danh sách "vũ khí ác mộng của Mỹ và NATO".

Su-35 có chiều dài 21,9 m, cao 5,9 m, sải cánh 14,7 m, bay cao 19 km, vận tốc tối đa 2.600 km/giờ và chỉ một phi công điều khiển. Tầm bay tối đa của Su-35 là 3.600 km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km.

Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Su-35 còn là loại máy bay duy nhất trên thế giới có thể xoay vòng 360 độ theo trục dọc hoặc ngang khi bay theo phương nằm ngang mà không cần phải giảm tốc độ.

Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/2/2008 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ ngày 3/5/2011.


Ý kiến bạn đọc